Xử phạt vi phạm quyền tác giả
Hiện nay có thể thấy, hiện tượng vi phạm quyền tác giả xảy ra khá phổ biến mà nổi bật nhất phải kể đến đó chính là những hành vi “đạo văn, đạo nhạc” đang làm dậy sóng cộng đồng xã hội. Để xử phạt vấn đề này, pháp luật Sở hữu trí tuệ đã đưa ra những quy định về xử phạt vi phạm quyền tác giả theo từng trường hợp cụ thể. Theo đó, những hành vi vi phạm quyền tác giả có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, xử lý bằng biện pháp dân sự
Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quyền tác giả:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
- Buộc bồi thường thiệt hại.
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền tác giả với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể được hưởng quyền tác giả.
Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính
Để có thể xử phạt vi phạm hành chính cần những cơ sở nhất định để khẳng định hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Với mỗi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý với những chế tài và mức phạt khác nhau. Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan.
Về mức phạt, mức xử phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.
Nghị định 131/2013/NĐ-CP có quy định khung phạt tiền cho từng trường hợp cụ thể tại Chương II là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5; Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.
Về các biện pháp khắc phục hậu quả thì ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, e và g Khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn.
- Buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
- Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường in-tơ-nét và kỹ thuật số.
- Buộc hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Thứ ba, Xử lý hình sự
Đối với những hành vi có tính chất nghiêm trọng, đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Cụ thể là là tội phạm quy định tại
Điều 170a: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ bị truy cứu với những tội danh khác nhau và mức phạt cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên là dù bị truy cứu theo tội danh nào thì chắc chắn chủ thể của những hành vi xâm phạm cũng sẽ phải chịu những chế tài nhất định, ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh.
Pháp luật sở hữu trí tuệ đã ban hành ra những quy định xử phạt hành vi xâm phạm quyền tác giả nhằm bảo vệ chủ sở hữu. Tuy nhiên, để những quy định này thực sự phát huy trên thực tế thì chủ sở hữu nên tiến hành đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm của mình làm cơ sở để xử lý hành vi xâm phạm.