Đăng ký thành lập công ty
Mục lục
Đăng ký thành lập công ty là việc quan trọng cần thiết khi bắt đầu bước vào kinh doanh mà các doanh nghiệp cần thực hiện. Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành mới được đăng ký kinh doanh.
Những lợi ích khi đăng ký thành lập công ty
Doanh nghiệp hợp pháp
Sau khi được cấp giấy phép thành lập công ty thì hoạt động kinh doanh của công ty được công nhận và bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam.
Công ty được quyền xuất hóa đơn
Theo Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định: Hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng, hóa đơn xuất khẩu và một số loại hóa đơn thông thường khác. Trong đó, quan trọng và cần thiết nhất trong hoạt động các doanh nghiệp là hóa đơn GTGT (Hóa đơn đỏ).
Hóa đơn đỏ dành cho các đối tượng khai và tính thuế theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động mua bán nội địa, vận tải quốc tế và xuất khẩu. Và chỉ những đối tượng đã có giấy phép kinh doanh mới được thực hiện việc xuất hóa đơn đỏ.
Dễ dàng trong giao dịch
Với tư cách pháp lý rõ ràng và hoạt động kinh doanh được hợp thức hóa giúp mọi công tác giao dịch của công ty dễ dàng hơn.
Được hưởng những ưu đãi từ Chính phủ
Khi là doanh nghiệp sẽ nhận được những ưu đãi từ Chính phủ như: Vay vốn, khấu trừ thuế, và các hỗ trợ khác sẽ được Nhà nước bảo vệ và đảm bảo.
Thủ tục đăng ký thành lập công ty
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ, thông tin thành lập công ty theo quy định bao gồm:
- CMND/Hộ Chiếu/ Căn cước công dân sao y công chứng không quá 03 tháng của tất cả thành viên mở công ty.
- Tên công ty đúng luật, không bị trùng lặp với doanh nghiệp khác đã đăng ký trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
- Địa chỉ công ty an toàn, được phép đăng ký kinh doanh, không thuộc những nơi bị cấm đặt địa chỉ doanh nghiệp.
- Danh sách ngành nghề kinh doanh dự tính đăng ký.
- Chuẩn bị mức vốn điều lệ cần đăng ký thành lập công ty, mức vốn tối thiểu, mức vốn tối đa để thành lập công ty. Những ngành nghề kinh doanh thông thường thì không giới hạn tối thiểu tối đa mức vốn.
- Chọn người đại diện theo pháp luật phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tối thiểu đủ 18 tuổi, và để kinh doanh thành công thì người đại diện theo pháp luật cần có kinh nghiệm và năng lực quản lý ở lĩnh vực công ty dự tính thành lập. Có thể thuê người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp.
Bước 2: Hoàn thiện hồ sơ thành lập công ty theo loại hình doanh nghiệp đã lựa chọn
Tùy vào loại hình doanh nghiệp được thành lập hồ sơ sẽ được quy định như sau:
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH 1 thành viên, 2 thành viên, công ty cổ phần, công ty hợp danh gồm những thành phần sau:
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty;
- Dự thảo Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên, danh sách cổ đông đối với công ty Cổ phần;
- Chuẩn bị giấy tờ của thành viên/cổ đông như sau đây:
a) Đối với thành viên là cá nhân: bản sao công chứng không quá 03 tháng của Giấy chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu hoặc căn cước công dân.
b) Đối với thành viên là tổ chức: bản sao công chứng quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; văn bản uỷ quyền, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo uỷ quyền.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch thuật, công chứng của cơ quan nơi tổ chức đó đã đăng ký không quá ba tháng trước ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh. - Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề;
- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân:
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân theo mẫu quy định;
- Bản sao công chứng Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc căn cước công dân không quá 03 tháng;
- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;
- Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc và cá nhân khác đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Bước 3: Nộp hồ sơ thành lập công ty đầy đủ tới cơ quan đăng ký kinh doanh
Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, bao gồm:
a) Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.
b) Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bước 4: Nhận kết quả giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Nếu hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do. Doanh nghiệp cần sửa đổi, bổ sung theo thông báo và tiến hành nộp lại;
- Nếu từ chối giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.