Đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Mục lục
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt là điều vô cùng quan trọng. Thực hiện thủ tục đăng ký sẽ tạo cho cá nhân, tổ chức sở hữu kiểu dáng công nghiệp một “bức tường” kiên cố, che chắn cho sản phẩm trí tuệ của mình khỏi các hành vi sao chép, đạo nhái…. Bài viết dưới đây sẽ tư vấn chi tiết cho các bạn hiểu quy trình thực hiện đăng ký cũng như các vấn đề liên quan.
1. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp được biết tới là một trong những đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là thủ tục hành chính được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ, nói cách khác đây chính là việc chủ sở hữu nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho kiểu dáng công nghiệp.
2. Lý do cần phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp?
Phải đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bởi những lý do như sau:
- Chỉ khi nộp đơn đăng ký bảo hộ và được cấp văn bằng bảo hộ thì quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu mới được phát sinh;
- Cục Sở hữu trí tuệ chỉ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho người nộp đơn sớm nhất trong số những người cùng nộp đơn và đối tượng đáp ứng các điều kiện bảo hộ;
- Cần phải tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để hạn chế rủi ro. Khi đưa sản phẩm ra thị trường mà chưa tiến hành đăng ký bảo hộ thì rất dễ bị các đối thủ cạnh tranh trên thị trường sao chép, bắt chước. Nếu bị các đối tượng bắt chước đó làm thủ tục bảo hộ trước thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh quyền sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp và đòi lại quyền lợi;
- Được độc quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp trong vòng 15 năm;
- Được pháp luật Việt Nam bảo vệ khi có hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký;
- Trong 15 năm độc quyền, chủ sở hữu có thể tiến hành chuyển nhượng, cho phép bên thứ 3 sử dụng trên cơ sở thu phí chuyển nhượng, sử dụng….
3. Quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp ra sao?
Quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp được diễn ra theo các bước như sau:
Bước 1: Tra cứu
Để đánh giá khả năng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có thành công hay không. Đồng thời, quá trình tra cứu giúp tiết kiệm chi phí và thời gian của chủ đơn, chủ đơn.
Bước 2: Nộp đơn đăng ký
Đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp gồm những giấy tờ sau:
- Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được làm theo mẫu của Cục Sở hữu trí tuệ ban hành;
- Giấy uỷ quyền nếu chủ đơn đăng ký uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện;
- Bản mô tả chi tiết về kiểu dáng công nghiệp dự định đăng ký bảo hộ;
- Bộ ảnh chụp hoặc bộ ảnh vẽ ở các góc nhìn khác nhau của kiểu dáng công nghiệp;
- Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác, như giấy chứng nhận quyền thừa kế; giấy chứng nhận hoặc thỏa thuận chuyển giao quyền nộp đơn; hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động….
- Bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày tại triển lãm, nếu đơn đăng ký bảo hộ có yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký thì nộp đến Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 3: Thẩm định hình thức
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định hình thức, ảnh, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân loại… Nếu đơn đăng ký đáp ứng điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn. Nếu đơn đăng ký không đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị sửa đổi.
Bước 4: Công bố đơn đăng ký
Đơn đăng ký được chấp nhận là hợp lệ thì sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Nội dung công bố là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, ảnh và phân loại kiểu dáng công nghiệp.
Bước 5: Thẩm định nội dung
Đơn đăng ký đã được công nhận là hợp lệ thì sẽ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho đối tượng nêu trong đơn, theo các điều kiện bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 6: Nhận kết quả đăng ký
Sau khi hoàn thành thẩm định nội dung, trường hợp đơn đăng ký đáp ứng yêu cầu bảo hộ, chủ sở hữu sẽ nộp phí đăng ký để nhận được văn bằng bảo hộ. Trường hợp đơn không đáp ứng yêu cầu bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ.