Có thể khởi kiện khi phát hiện tác phẩm bị sao chép hay không?
Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử. Tác phẩm hình thành trên sự sáng tạo của tác giả, do đó pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền “sao chép tác phẩm” của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tại Điểm c Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Khoản 6 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả: “Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này”. Như vậy, những trường hợp sao chép tác phẩm đã xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hợp pháp.
Theo Điểm a, Điểm đ Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi: Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu là những hành vi sao chép không xin phép mà không vi phạm quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, quyền “sao chép tác phẩm” thuộc nhóm quyền tài sản, được pháp luật bảo hộ có thời hạn. Do đó, khi đã hết thời hạn thì cá nhân, tổ chức có thể sao chép tác phẩm mà không chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.
Ngoài những trường hợp trên, những hành vi sao chép mà không xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị khởi kiện. Đó là quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền “khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ thì Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
– Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
– Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
– Buộc bồi thường thiệt hại;
– Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.