Có thể đăng ký bản quyền kịch bản phim được không?
Mục lục
Rất nhiều biên kịch, nhà sản xuất phim muốn đăng ký bản quyền kịch bản phim của mình để bảo hộ loại tài sản vô cùng quan trọng này. Tuy nhiên, kịch bản phim có phải là đối tượng được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay không? Cần làm gì để có thể đăng ký bảo hộ kịch bản phim theo đúng quy định của pháp luật hiện hành? Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu câu trả lời ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Kịch bản phim có phải đối tượng được bảo hộ bản quyền?
Kịch bản phim hay còn gọi là kịch bản văn học, dưới góc độ nghệ thuật có thể xem là một loại hình tác phẩm văn học đặc biệt và đồng thời cũng là đối tượng được bảo hộ quyền quyền tác giả theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Trong quá trình tạo ra một tác phẩm phim hoàn chỉnh, kịch bản là tài liệu không thể thiếu, là chất liệu nền tảng của cả bộ phim. Vì vậy, đây cũng là đối tượng thường xuyên bị nhắm tới bởi các hành vi xâm phạm, thậm chí là “cướp đoạt”. Việc đăng ký bản quyền kịch bản phim giúp chủ sở hữu tác phẩm có thể an tâm hơn trong quá trình sử dụng và khai thác các giá trị của tác phẩm này.
Hướng dẫn đăng ký bản quyền kịch bản phim
Tương tự như mọi loại hình tác phẩm là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả khác, để nhận giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, bạn cần thực hiện thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền kịch bản phim
Theo hướng dẫn chung tại khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả yêu cầu các tài liệu sau:
“a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
…
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.”
Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho kịch bản phim
Sau khi hoàn tất nộp hồ sơ đến một trong các địa điểm tiếp nhận đơn hợp lệ của Cục Bản quyền, trong thời gian mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục Bản quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho bạn. Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận, phía Cục Bản quyền cũng sẽ phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn
Bản quyền kịch bản thuộc sở hữu của ai?
Như đã biết, kịch bản phim là một trong những chất liệu để hoàn thiện tác phẩm phim. Vì vậy đối với quyền tác giả của kịch bản, cần phân biệt rõ giữa người sáng tạo tác phẩm và chủ sở hữu tác phẩm này. Thông thường, biên kịch sẽ là tác giả của kịch bản, còn chủ sở hữu đối với kịch bản là tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để tác giả hoàn thiện tác phẩm này. Theo đó, các quyền tác giả cũng sẽ được phân định rõ:
Quyền của tác giả kịch bản phim
Tác giả trực tiếp sáng tạo kịch bản phim sẽ sở hữu những quyền nhân thân bao gồm:
- Đặt tên cho tác phẩm
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả
Và một số quyền khác theo thỏa thuận với chủ sở hữu tác phẩm
Quyền của chủ sở hữu kịch bản phim
Chủ sở hữu kịch bản phim sẽ được hưởng các quyền tài sản theo quy định tại Điều khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và quyền “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm”.