Các bước đăng ký bản quyền thiết kế
Mục lục
Thiết kế là khâu đầu tiên để tạo ra một sản phẩm, tác phẩm cụ thể dựa trên trí tưởng tượng và sức sáng tạo của con người. Mỗi bản thiết kế được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và là tài sản sở hữu trí tuệ vô cùng quan trọng. Vậy phải làm như thế nào để đăng ký bản quyền thiết kế? Bài viết dưới đây, Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ tư vấn chi tiết cho các bạn biết cách thực hiện đăng ký bảo hộ để có thể xây dựng lá chắn pháp lý vững chắc bảo vệ thiết kế.
Thuật ngữ thiết kế được hiểu sao cho đúng?
Thiết kế được hiểu là việc tạo ra một bản vẽ hoặc quy ước nhằm tạo dựng một hệ thống, một đối tượng hoặc một tương tác giữa con người với con người có thể đo lường được. Ví dụ: Thiết kế bản vẽ chi tiết kiến trúc, quy trình kinh doanh, bản vẽ kỹ thuật, sơ đồ mạch điện,… Việc thiết kế thường đòi hỏi tính thẩm mỹ, công năng, đem lại lợi nhuận.
Cơ chế bảo hộ bản quyền thiết kế như thế nào?
Sản phẩm được tạo ra từ bản thiết kế rất đa dạng, tùy thuộc vào tính chất của thiết kế mà được bảo hộ bản quyền theo loại hình tác phẩm tương ứng. Về cơ bản, bạn có thể đăng ký bản quyền thiết kế dưới hình thức tác phẩm như: Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; tác phẩm kiến trúc, bản họa đồ,…
Quyền tác giả đối với các loại hình tác phẩm thiết kế sẽ phát sinh ngay từ khi tác phẩm được sáng tạo ra và được thể hiện dưới dạng một vật chất nhất định mà không phải thông qua bất kỳ một trình tự thủ tục pháp lý nào. Như vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam ghi nhận bảo hộ thiết kế theo cơ chế tự động mà không bắt buộc đăng ký bản quyền. Mặc dù không phải là thủ tục bắt buộc nhưng là việc làm cần thiết và cấp thiết trước nạn đạo nhái tràn lan như hiện nay.
Tư vấn các bước đăng ký bản quyền thiết kế hiện nay?
Để thủ tục đăng ký bản quyền thiết kế hiệu quả, bạn cần phải:
Bước 1: Lựa chọn loại hình tác phẩm bảo hộ
Bạn cần lựa chọn loại hình tác phẩm đăng ký quyền tác giả phù hợp, đó có thể là tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; tác phẩm kiến trúc, bản họa đồ,… (Tham khảo Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019)
Bước 2: Soạn thảo giấy tờ
Về cơ bản, bạn cần soạn thảo và chuẩn bị những giấy tờ đăng ký bảo hộ sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành;
- Bản sao tác phẩm dự định đăng ký quyền tác giả;
- Giấy uỷ quyền, nếu được uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn khi được hưởng quyền nộp đơn của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu, nếu tác phẩm có đồng tác giả; thuộc sở hữu chung.
Bước 3: Nộp hồ sơ bảo hộ
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm có quyền nộp đơn đăng ký trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, tại TP. Đà Nẵng.
Bước 4: Theo dõi quá trình và nhận kết quả
Cục Bản quyền tác giả sẽ kiểm tra tính hợp lệ sau khi nhận hồ sơ. Bạn cần thường xuyên kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ để kịp thời bổ sung những thông tin và giấy tờ cần thiết khi được yêu cầu.
Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận bản quyền nếu hồ sơ hợp lệ. Ngược lại, nếu bộ hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì sẽ bị Cục Bản quyền tác giả từ chối cấp văn bằng bảo hộ.