Thế nào là hành vi xâm phạm nhãn hiệu?
Mục lục
Thời gian gần đây, tình trạng xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp mà điển hình là các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Những hành vi xâm phạm quyền của nhãn hiệu ngày càng gia tăng và gây thiệt hại không nhỏ cho chủ sở hữu. Do đó mà việc ngăn chặn cũng như xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm góp phần nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu công nghiệp.
Khi nào bị xem là xâm phạm nhãn hiệu?
Khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 quy định rõ nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu được sử dụng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu đối với các sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên các hành vi xâm phạm hoặc tác động đến nhãn hiệu lại có chiều hướng gia tăng. Việc xác định một hành vi có xâm phạm nhãn hiệu hay không sẽ căn cứ vào các yếu tố sau:
Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự
Căn cứ vào Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 119/2010/NĐ-CP thì có thể xem một hành vi có dấu hiệu xâm phạm khi đáp ứng các yếu tố sau đây:
Nhãn hiệu sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ so với một nhãn hiệu đang được bảo hộ bị xem là vi phạm khi:
– Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
– Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.
Riêng đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ coi là yếu tố xâm phạm nếu:
– Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện như trên;
– Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện trên hoặc hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt
Trường hợp sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày so với nhãn hiệu được bảo hộ cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại thuộc phạm vi bảo hộ thì bị coi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Quy định về hành vi xâm phạm nhãn hiệu
Ngoài việc ghi nhận các căn cứ, yếu tố để xem xét hành vi vi phạm thì pháp luật còn quy định rõ các dạng hành vi để có thể có căn cứ xác định cụ thể. Theo đó Điều 129 Luật sở hữu tí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 quy định các hành vi xâm phạm nhãn hiệu gồm Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.