Phân tích quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp
Mục lục
Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ phân tích quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp thông qua bài viết dưới đây. Mong rằng bài tư vấn của chúng tôi sẽ giúp các bạn nắm rõ quy định điều kiện khi thành lập công ty và các vấn đề liên quan, hỗ trợ quá trình đăng ký được diễn ra dễ dàng hơn.
1. Thành lập doanh nghiệp để làm gì?
Thành lập doanh nghiệp không chỉ là đảm bảo quyền lợi cho chủ doanh nghiệp mà còn góp phần đảm bảo trật tự quản lý cũng như sự phát triển cho đất nước. Có thể nói thành lập công ty vừa là nhu cầu tất yếu vừa là đòi hỏi mang tính nghĩa vụ đối với mỗi công ty trong sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Cụ thể như sau:
- Đối với nhà nước: Thành lập công ty thể hiện sự bảo hộ bằng pháp luật của nhà nước đối với doanh nghiệp. Đăng ký công ty sẽ giúp nhà nước nắm bắt được những yếu tố kinh doanh, từ đó đưa ra những chính sách, biện pháp kịp thời và hợp lý;
- Đối với công ty: Pháp luật thừa nhận thành lập công ty, nghĩa là từ nay công ty có cơ sở pháp lý chắc chắn để yêu cầu nhà nước đảm bảo các quyền lợi chính đáng để có thể yên tâm kinh doanh;
- Đối với xã hội: Công khai với cộng đồng và xã hội về sự tồn tại của công ty mình. Đây cũng là một trong những cách để quảng cáo bản thân để tìm kiếm đối tác và khách hàng;
- Đối với kinh tế: Khi đăng ký thành lập công ty thì công ty sẽ có tư cách là một thành viên trong thành phần kinh tế và góp phần cho sự phát triển của cả đất nước.
2. Phân tích quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp?
Dựa vào văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cần phân tích quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, điều kiện về chủ thể thành lập công ty
Trước tiên, cá nhân, tổ chức muốn mở công ty phải thuộc đối tượng được quyền thành lập công ty. Theo đó, tất cả tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý công ty tại Việt Nam, trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014, như viên chức, người mất năng lực hành vi dân sự,…
Thứ hai, điều kiện về ngành, nghề đăng ký kinh doanh
Một trong những điều kiện để công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh. Đối với ngành, nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện thì công ty phải đảm bảo đáp ứng được điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, điều kiện về tên doanh nghiệp dự kiến thành lập
Tên của doanh nghiệp dự kiến thành lập phải gồm hai thành tố, đó là loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Bên cạnh đó, không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của công ty đã được đăng ký, sử dụng tên cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội,…
Thứ tư, điều kiện về trụ sở công ty
Trụ sở chính phải có địa chỉ rõ ràng gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp địa chỉ chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì làm công văn có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm hồ sơ đăng ký.
Thứ năm, hồ sơ đăng ký công hợp lệ
Tùy thuộc vào loại hình công ty mà tổ chức, cá nhân dự kiến thành lập, thành phần hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau. Hồ sơ đăng ký phải có đầy đủ giấy tờ, có nội dung được kê khai đầy đủ. Người thành lập công ty sẽ phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký.
Thứ sáu, nộp đủ lệ phí đăng ký công ty
Người thành lập công ty phải nộp lệ phí đăng ký tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký, trừ một số trường hợp được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
3. Trình tự thành lập doanh nghiệp như thế nào?
Trình tự thành lập doanh nghiệp được diễn ra theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chủ sở hữu công ty cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập mới tướng ứng với từng loại hình kinh doanh.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Chủ công ty hoặc người được ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký công ty cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong vòng 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải có văn bản thông báo về nội dung cần sửa đổi hoặc bổ sung.
Bước 4: Nhận kết quả
Chủ công ty hoặc người được ủy quyền có thể nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đăng ký nhận kết quả qua bưu điện.