Xác định hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp
Mục lục
1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 quy định: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó.”
Kiểu dáng công nghiệp tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của từng nhà sản xuất. Thông qua việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sản phẩm, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo vệ tài sản của mình trước hành vi sử dụng trái phép. Từ đó mang về nhiều giá trị về kinh tế cho doanh nghiệp.
Để được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp, phải đáp ứng 3 điều kiện sau:
- Có tính mới: Khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên.
- Có tính sáng tạo: Kiểu dáng công nghiệp đó không được tạo ra một cách dễ dàng với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
- Có khả năng áp dụng công nghiệp: Có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó.
Xem thêm: Đăng ký bản quyền logo online tiến hành như thế nào?
2. Xác định hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp
Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2022 quy định hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp bao gồm:
- Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp tương tự, không có sự khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được chủ sở hữu cho phép;
- Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định pháp luật về quyền tạm thời.
Quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2022 như sau:
- Nếu người nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp biết được kiểu dáng công nghiệp đó đang được đối tượng khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và đối tượng đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho đối tượng sử dụng rằng mình đã nộp đơn đăng ký. Trong văn bản cần nêu rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để đối tượng đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
- Trong trường hợp đã nhận được văn bản thông báo như trên mà đối tượng được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng kiểu dáng công nghiệp thì chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có quyền yêu cầu người sử dụng kiểu dáng công nghiệp phải trả tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó trong thời hạn và phạm vi sử dụng tương ứng (Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đã được cấp).
3. Xử lý hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp thế nào?
Khi phát hiện có hành vi vi phạm quyền kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Tiến hành giám định kiểu dáng công nghiệp
Đầu tiên, bạn cần thực hiện thủ tục Giám định kiểu dáng công nghiệp tại Viện khoa học sở hữu trí tuệ.
Mục đích của việc này là nhằm giúp doanh nghiệp xác định rõ có hành vi xâm phạm hay không, mức độ xâm phạm ra sao để từ đó đưa ra phương án tiếp theo.
Thông thường, thời gian giám định kiểu dáng công nghiệp khoảng 26 ngày làm việc. Nếu việc giám định nhanh và thuận lợi, bạn có thể nhận được kết quả sau 05 ngày làm việc.
Bước 2: Gửi thư cảnh báo cho bên vi phạm
Sau khi có kết quả Giám định kiểu dáng công nghiệp, bạn có thể gửi cảnh báo thông qua tư cách đại diện sở hữu trí tuệ. Nội dung thư cảnh báo đề cập tới các vấn đề như yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm; xin lỗi công khai; bồi thường thiệt hại (nếu có)…
Bước 3: Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm
Nếu bên vi phạm không có thiện chí khắc phục hậu quả hay bồi thường thiệt hại… thì bên bị xâm phạm có thể gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu xử lý theo quy định. Tùy theo mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính, hình sự hoặc dân sự.