Thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyền
Mục lục
Đăng ký nhãn hiệu độc quyền là một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp rất quan tâm. Bởi nó không chỉ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mà còn giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh suôn sẻ nhất. Vậy đăng ký nhãn hiệu độc quyền là gì? Tại sao cần phải đăng ký và thủ tục đăng ký như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022;
- Các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan khác.
2. Đăng ký nhãn hiệu độc quyền là gì?
Hiện nay trong các văn bản pháp luật không có quy định cụ thể giải thích thế nào là đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 giải thích:
“4. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”
Theo đó, có thể hiểu rằng nhãn hiệu là một quyền sở hữu trí tuệ thuộc nhóm quyền sở hữu công nghiệp. Theo khoản 16 Điều này thì nhãn hiệu được giải thích là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu được chia thành nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng. Như vậy, không có sự xuất hiện của nhãn hiệu độc quyền mà có thể hiểu đây là cách gọi quen thuộc của chúng ta.
Từ những phân tích trên có thể rút ra kết luận về đăng ký nhãn hiệu độc quyền như sau: Đăng ký nhãn hiệu độc quyền được hiểu là việc thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật để đăng ký nhãn hiệu của riêng doanh nghiệp mình tại cơ quan có thẩm quyền.
3. Tại sao phải đăng ký nhãn hiệu độc quyền?
Việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền là cần thiết bởi nếu không đăng ký doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu này sẽ gặp phải các rủi ro như sau:
- Việc không có độc quyền đối với nhãn hiệu, bao gồm thương hiệu, logo, hình ảnh và bao bì sản phẩm mà bạn tạo ra có thể dẫn đến việc bất kỳ bên nào cũng có thể sử dụng nhãn hiệu đó mà không cần xin phép hay trả bất kỳ khoản phí nào cho bạn.
- Một rủi ro khác là khi bên khác chiếm quyền sở hữu nhãn hiệu của bạn. Hiện nay, có nhiều trường hợp do bất cẩn mà không tiến hành đăng ký nhãn hiệu trước, dẫn đến tình trạng cho phép bên khác đăng ký một nhãn hiệu giống hoặc tương tự với nhãn hiệu mà doanh nghiệp của bạn đang sử dụng. Khi bên khác đăng ký nhãn hiệu thành công, họ có quyền yêu cầu doanh nghiệp của bạn ngừng sử dụng nhãn hiệu mà bạn đã đầu tư nhiều công sức xây dựng. Nếu bạn không tuân thủ yêu cầu này có nguy cơ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vì vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của bên khác.
Vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu trước khi đưa sản phẩm ra thị trường là rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
4. Thủ tục đăng ký cho nhãn hiệu độc quyền như thế nào?
Việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền cũng thực hiện như đăng ký nhãn hiệu nói chung, theo đó có 2 bước là:
- Tra cứu khả năng đăng ký của nhãn hiệu;
- Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.
4.1. Tra cứu khả năng đăng ký của nhãn hiệu
Theo quy định của pháp luật thì đây không phải là bước bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, việc tra cứu này rất cần thiết và có ý nghĩa. Bởi vì mục đích để xác định xem có nhãn hiệu nào giống hoặc tương tự với nhãn hiệu mà mình chuẩn bị đăng ký hay chưa. Qua kết quả tra cứu đó có thể thay thế hoặc chỉnh sửa nhãn hiệu dự kiến đăng ký của mình sao cho phù hợp. Tránh tình trạng bị trùng nhãn hiệu và trả lại hồ sơ, tránh bị phạt do xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký (nếu có).
4.2. Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 thì thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyền thông qua các giai đoạn:
Giai đoạn 1: Kiểm tra hình thức của đơn đăng ký nhãn hiệu
Trong vòng một tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, nếu đơn đăng ký nhãn hiệu đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức như thông tin kê khai, phí, và quyền nộp đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đưa ra quyết định chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu là hợp lệ.
Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được các yêu cầu này, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo về các thiếu sót và yêu cầu người nộp đơn chỉnh sửa trong vòng hai tháng. Trường hợp cần thiết, có thể được gia hạn với mức thời gian tương ứng.
Giai đoạn 2: Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu trên Công báo sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ
Sau khi hình thức đăng ký được chấp nhận, trong vòng hai tháng kể từ ngày đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ công bố thông tin về đơn đăng ký nhãn hiệu trên Công báo về Sở hữu trí tuệ. Thông qua việc công bố này, bất kỳ ai cũng có quyền tiến hành phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu này nếu họ cho rằng có lý do cần thiết.
Giai đoạn 3: Xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng trong quy trình đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Trong khoảng thời gian từ 9 đến 12 tháng (có thể kéo dài hơn) sau ngày công bố đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phát thông báo về khả năng cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Nếu đơn đăng ký đáp ứng yêu cầu, nhãn hiệu sẽ được cấp giấy chứng nhận trong vòng 1 đến 2 tháng. Tuy nhiên, nếu đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối, người nộp đơn cần phải đáp lại thông báo từ chối này trong vòng ba tháng.
Bạn có thể lựa chọn nộp trực tiếp hoặc nộp thông qua Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ hoặc hệ thống Madrid.