Vận chuyển băng đĩa lậu bị xử lý như thế nào?
Băng đĩa lậu từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối tồn tại trong xã hội. Hành vi này làm ảnh hưởng tới quyền lợi của các tác giả, nhà sản xuất đồng thời cũng đặt thị trường băng đĩa vào tình thế khó kiểm soát, kiểm duyệt.
Trong pháp luật sở hữu trí tuệ, băng đĩa lậu chính là hàng hóa sao chép lậu, là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan. Hành vi này là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt hành chính (Điều 211, 213 Luật Sở hữu trí tuệ).
Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ quy định hai hình thức xử lý hành chính với hành vi xâm phạm nêu trên là cảnh cáo và phạt tiền. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ; Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.
Xử lý vi phạm quyền tác giả, vi phạm quyền liên quan, trong đó có vận chuyển băng đĩa lậu được quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Theo đó thẩm quyền xử lý vi phạm nói trên gồm nhiều cơ quan ban ngành khác nhau như: Chủ tịch UBND các cấp; Thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch; Thanh tra chuyên ngành khác; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan và Quản lý thị trường.
Điều 8 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan”. Theo đó, hành vi vận chuyển băng đĩa lậu sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, tang vật của hành vi nói trên cũng sẽ bị tịch thu (Khoản 3 Theo Điều 8 Nghị định 131/2013/NĐ-CP).