Tư vấn điều kiện để thành lập doanh nghiệp tư nhân
Mục lục
Để giúp các bạn có cái nhìn khái quát và biết cách đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân. Hôm nay, Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ tư vấn cho các bạn những đặc điểm nổi trội của mô hình, điều kiện để thành lập doanh nghiệp tư nhân, hồ sơ và thủ tục đăng ký diễn ra như thế nào?
1. Mô hình công ty tư nhân có những đặc điểm gì?
Hiện nay, loại hình công ty tư nhân có những đặc điểm cụ thể như sau:
- Do một cá nhân làm chủ: Công ty tư nhân không xuất hiện sự góp vốn giống như các công ty nhiều chủ sở hữu, nguồn vốn của công ty chủ yếu xuất phát từ một cá nhân;
- Về quan hệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp: Nguồn vốn ban đầu của công ty tư nhân xuất phát từ tài sản của chủ công ty. Trong quá trình kinh doanh, chủ sở hữu có quyền tăng hoặc giảm số vốn đầu tư, chỉ phải khai báo với Phòng đăng ký kinh doanh khi giảm số vốn xuống dưới mức đã đăng ký. Không có sự tách bạch tài sản của chủ công ty với tài sản của công ty tư nhân;
- Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ quản lý: Công ty tư nhân chỉ có một chủ sở hữu. Vì vậy, chủ sở hữu có toàn quyền quyết định trong việc quảng lý và điều hành công ty;
- Chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn: Công ty không có tài sản riêng nên trách nhiệm tài sản đối với những chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty đều do chủ sở hữu chịu trách nhiệm;
- Về phân phối lợi nhuận: Việc chia lợi nhuận không đặt ra với công ty tư nhân bởi mô hình này chỉ có một chủ sở hữu, toàn bộ lợi nhuận trong quá trình kinh doanh sẽ thuộc về chủ công ty;
- Không có tư cách pháp nhân vì doanh nghiệp tư nhân không có sự độc lập về tài sản;
- Không được phép phát hành chứng khoán: Quy định này nhằm hạn chế quyền huy động vốn của chủ công ty tư nhân.
2. Điều kiện để thành lập doanh nghiệp tư nhân như thế nào?
Trước khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, bạn cần đáp ứng những điều sau đây:
Thứ nhất, chủ thể thành lập doanh nghiệp
Mỗi cá nhân chỉ được phép thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ sở hữu công ty tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc thành viên của công ty hợp danh.
Không thuộc trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp, như người chưa thành niên; người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan…
Thứ hai, tên doanh nghiệp tư nhân
Khi đặt tên công ty tư nhân cần tránh bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với công ty khác. Doanh nghiệp tư nhân bao gồm 2 thành tố, đó là tên loại hình và tên riêng.
Thứ ba, ngành nghề kinh doanh doanh nghiệp tư nhân
Công ty tư nhân được kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đối với những ngành nghề có điều kiện thì chỉ được phép kinh doanh khi đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, địa điểm đặt trụ sở
Lựa chọn địa điểm đặt trụ sở phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ xác định.
Thứ năm, vốn đầu tư của chủ sở hữu
Chủ sở hữu có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư phải được ghi chép đầy đủ trong sổ kế toán. Chỉ được giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký khi đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Đối với những ngành nghề có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh khi đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Thành lập doanh nghiệp tư nhân được diễn ra như thế nào?
Quy trình các bước thành lập doanh nghiệp tư nhân được diễn ra như sau:
Bước 1: Soạn hồ sơ đăng ký
Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ như sau:
- Giấy đăng ký thành lập công ty tư nhân;
- Bản sao y công chứng giấy tờ tùy thân còn hiệu lực của chủ doanh nghiệp;
- Giấy ủy quyền (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký và nhận kết quả đăng ký
Cần chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng bộ hồ sơ như trên để nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư nơi công ty đặt trụ sở và phải tự chịu trách nhiệm về nội dung trong bộ hồ sơ đăng ký.
Bước 3: Trả kết quả
Phòng đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành thẩm định bộ hồ sơ đăng ký thành lập công ty và cấp Giấy chứng nhận trong thời gian quy định nếu đủ điều kiện. Ngược lại, khi bị từ chối cấp Giấy chứng nhận thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản và có nêu rõ lý do.