Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là gì?
Mục lục
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả (tham khảo Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019). Tác phẩm được tự động bảo hộ khi được sáng tạo ra và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định mà không cần tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, Quý vị vẫn nên tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ để bảo vệ tối ưu quyền lợi của mình, tránh những rủi ro không đáng có trong tương lai.
1. Tìm hiểu tác phẩm mỹ thuật ứng dụng?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được hiểu là:
- Tác phẩm được thể hiện bởi những đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục;
- Có tính hữu ích;
- Có thể được gắn liền vật hữu ích;
- Được sản xuất một cách thủ công hoặc công nghiệp.
Ví dụ: Thiết kế về đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế về thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.
Theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ bản quyền khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Là kết quả của hoạt động sáng tạo: Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phải do chính tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ bất kỳ tác phẩm của chủ thể khác;
- Phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhật định: Tức là phải được thể hiện dưới dạng đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục. Nếu tác phẩm mỹ thuật ứng dụng mới chỉ xuất hiện dưới dạng ý tưởng (chưa được thể hiện ra bên ngoài, nằm trong đầu của con người) mà chưa được định hình thì sẽ không được bảo hộ.
2. Thủ tục đăng ký quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật ứng dụng ra sao?
Quy trình các bước đăng ký bảo hộ bản quyền tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền
Hồ sơ đăng ký bản quyền tác phẩm mỹ thuật ứng dụng gồm những giấy tờ sau:
- Đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật ứng dụng;
- Hai bản sao tác phẩm mỹ thuật ứng dụng yêu cầu đăng ký bảo hộ;
- Giấy ủy quyền cho chủ thể khác thực hiện thủ tục đăng ký;
- Văn bản thể hiện hưởng quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ từ người khác;
- Văn bản thống nhất đăng ký bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng của đồng tác giả, của chủ sở hữu.
Sau khi chuẩn bị xong bộ hồ sơ, nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP. HCM, TP Đà Nẵng.
Bước 2: Nhận kết quả đăng ký
Sau khi tiếp nhận bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả thì Cục Bản quyền tác giả sẽ xem xét đơn đăng ký để ra quyết định cấp Văn bằng bảo hộ hoặc ra Thông báo từ chối cấp Văn bằng bảo hộ. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Cục Bản quyền tác giả sẽ được cấp văn bằng bảo hộ trong vòng 15 ngày làm việc. Và ngược lại, nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì Cục Bản quyền tác giả sẽ bị từ chối.
3. Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm bản quyền?
Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành thì cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm bản quyền như sau:
- Áp dụng các biện pháp dân sự, hình sự: Sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Trong những lúc cần thiết, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Áp dụng các biện pháp xử lý về hành chính: Sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Thanh tra, Uỷ ban nhân dân các cấp, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan. Trong những trường hợp cần thiết thì những cơ quan này có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt về hành chính;
- Áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ: Sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hải quan.