Quyền sở hữu trí tuệ theo quy định hiện hành
Mục lục
Quyền sở hữu trí tuệ được biết tới là những quyền nhân thân và tài sản đối sản phẩm của hoạt động sáng tạo con người. Bài viết dưới đây, chúng ta sẽ phân tích rõ hơn về bản chất quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng và điều kiện bảo hộ cũng như thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật hiện hành.
Quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ và tinh thần như tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; giống cây trồng; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh;…
Điều kiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, tùy từng đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ mà sẽ có những điều kiện bảo hộ khác nhau. Cụ thể như sau:
- Quyền tác giả có đối tượng bảo hộ là tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học: Được bảo hộ khi tác phẩm có tính nguyên gốc và định hình dưới một hình thức nhất định;
- Quyền liên quan đến quyền tác giả: Được bảo hộ khi không gây phương hại đến quyền tác giả;
- Quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (được bảo hộ dựa trên văn bằng bảo hộ); nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại (bảo hộ trên cơ sở sử dụng); bí mật kinh doanh (bảo hộ trên cơ sở sử dụng và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh); chống cạnh tranh không lành mạnh (bảo hộ trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh);
- Quyền đối với giống cây trồng: Được bảo hộ dựa trên văn bằng bảo hộ.
Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?
Để thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, bạn cần phải:
Bước 1: Xác định đối tượng đăng ký
Việc xác định và phân loại đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng để việc đăng ký có thể tối đa được quyền của sản phẩm và đúng theo quy định pháp luật.
Bước 2: Xác định cơ quan tiếp nhận hồ sơ
Hiện nay, tương ứng với ba đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ sẽ do 03 cơ quan tiến hành thủ tục hành chính trong việc thẩm định hồ sơ cấp văn bằng bảo hộ. Cụ thể như sau:
- Quyền sở hữu công nghiệp: Nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ;
- Quyền tác giả, quyền liên quan: Nộp tại Cục Bản quyền Tác Giả;
- Quyền giống cây trồng: Nộp tại Cục Trồng Trọt;
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ
Tương ứng với từng đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí thì sẽ cần chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ khác nhau. Do đó, cần xác định đúng đối tượng bạn muốn đăng ký để chuẩn bị những giấy tờ phù hợp.
Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký
Sau khi hoàn tất hồ sơ, chủ đơn hoặc chủ thể được chủ đơn ủy quyền sẽ tiến hành nộp hồ sơ đăng ký tại các cơ quan chức năng tương ứng với từng đối tượng đăng ký như trên.
Bước 5: Theo dõi quá trình và nhận kết quả
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng sẽ thẩm định hồ sơ. Nếu giấy tờ hợp lệ, đủ điều kiện thì sẽ được cấp văn bằng bảo hộ. Ngược lại, nếu giấy tờ không hợp lệ, không đủ điều kiện bảo hộ thì sẽ bị từ chối và có văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung.