Pháp luật về bản quyền có áp dụng đối với mạng xã hội không?
Thời điểm hiện tại, cùng với sự phát triển của viễn thông, internet thì sự bùng nổ của mạng xã hội là một trong những xu hướng chính. Cùng với sự tiện lợi trong chia sẻ thông tin, kết nối người dùng, nhiều vấn đề pháp lý cũng phát sinh, đặc biệt là vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại Khoản 22 Điều 3 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của chính phủ thì “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.
Theo quy định trên thì mạng xã hội có nội dung “chia sẻ âm thanh, hình ảnh” giữa các người dùng mạng xã hội và như vậy, người sử dụng có quyền chia sẻ âm thanh, hình ảnh trên mạng xã hội theo quy định này. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền của “âm thanh, hình ảnh” được chia sẻ bởi người dùng mạng xã hội thì lại không có quy định rõ ràng và cụ thể là chủ thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại điều 28 của Luật sở hữu trí tuệ.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội tại Điều 25 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP không hề có quy định nào bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội phải thực hiện các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội lại bị nghiêm cấm việc chủ động cung cấp các thông tin bị cấm theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP cũng như phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và loại bỏ các thông tin vi phạm quy định tại Điều 5.
Trong quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng mạng xã hội tại Điều 26 cũng không có quy định rõ người sử dụng mạng xã hội có phải cần thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ hay không. Tuy nhiên, trong phạm vi quyền và nghĩa vụ của mình, người sử dụng mạng xã hội phải tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội cũng như chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ , cung cấp, truyền đưa lên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Có thể thấy rằng tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội có trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội và công bố công khai quy chế này (thường là thỏa thuận hoặc điều khoản sử dụng). Thông thường, trong các điều khoản sử dụng các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội có điều khoản ngăn cấm và ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội đối với các vấn đề liên quan đến tác quyền và có điều khoản để loại trừ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội đối với các tài liệu xâm phạm quyền tác giả của chủ thể khác. Người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm cho tính hợp pháp của các tài liệu, hình ảnh và âm thanh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Khoảng trống về bản quyền, sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội tồn tại khá dài cho đến khi Luật An ninh mạng ra đời và có hiệu lực. Khoản 1 Điều 18 Luật này có liệt kê hành vi “Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng” là một trong những hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Bằng những dẫn chứng ở trên, có thể thấy rằng dù chưa có những quy định cụ thể, chi tiết, nhưng pháp luật về bản quyền vẫn được áp dụng đối với mạng xã hội.