Biểu diễn tác phẩm tại phòng trà có phải xin phép tác giả?
Biểu diễn tác phẩm tại phòng trà được hiểu là việc ca sĩ trình bày các ca khúc cho khán giả tại phòng trà – nơi để thư giãn, xóa tan mọi mệt mỏi, căng thẳng của cuộc sống bộn bề nơi phố thị xô bồ, nhiều bộn bề. Theo điểm b Khoản 1 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ, về nguyên tắc khi biểu diễn tác phẩm tại phòng trà (biểu diễn cho công chúng xem) thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Khi tác phẩm hết thời hạn bảo hộ thì tác phẩm sẽ thuộc về công chúng, tức là ai cũng có thể khai thác, sử dụng tác phẩm mà không cần phải xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả (tham khảo Khoản 1, 2 Điều 43 Luật sở hữu trí tuệ)
Như vậy, khi tác phẩm còn trong thời gian bảo hộ thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho tác giả (khi đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm), chủ sở hữu quyền tác giả trước khi biểu diễn tác phẩm tại phòng trà.