Làm sao để đăng ký bản quyền sản phẩm
Mục lục
Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều ngành nghề khác nhau. Mỗi ngành nghề sẽ có những sản phẩm đặc thù riêng biệt để tạo dấu ấn, thu hút Khách hàng. Để cạnh tranh lợi ích, mỗi cá nhân, tổ chức sẽ có những cách thức khác nhau để phát triển sản phẩm của mình. Từ đây, những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sao chép, ăn cắp ý tưởng xuất hiện rất nhiều. Vậy, có một câu hỏi đặt ra là đăng ký bản quyền sản phẩm nên hay là không? Hãy cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu ở bài viết sau.
1. Vì sao nên đăng ký bản quyền sản phẩm?
Khi sản phẩm (logo, nhãn hiệu,…) được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, quyền tác giả cho sản phẩm sẽ được hình thành. Quyền tác giả được phát sinh ngay khi tác phẩm được hình thành và thể hiện ra bằng một hình thức vật chất nhất định mà không cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để có căn cứ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu đối với sản phẩm của mình thì việc đăng ký bản quyền sản phẩm là việc làm rất cần thiết. Những lợi ích mà việc đăng ký quyền tác giả có thể thấy một cách dễ dàng như:
- Ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền, như: đánh cắp các dữ liệu, sao chép hay lạm dụng sản phẩm với mục đích xấu;
- Bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp khi xảy ra các trường hợp tranh chấp giành quyền sở hữu giữa các bên;
- Được trao quyền khai thác sản phẩm cho cá nhân, tố chức khác;
- Tăng sự uy tín của sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy doanh số công ty,…
2. Hồ sơ đăng ký bản quyền sản phẩm
Khi đăng ký bảo hộ bản quyền, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau đây:
- Tờ khai đăng ký bản quyền cho sản phẩm;
- Hai bản sao hợp lệ sản phẩm dự kiến đăng ký quyền tác giả;
- Giấy ủy quyền cho chủ thể khác đại diện đăng ký bảo hộ (nếu có);
- Giấy tờ chứng minh quyền nộp hồ sơ bảo hộ quyền tác giả (nếu có);
- Giấy tờ chấp thuận của đồng tác giả, nếu do nhiều tác giả cùng tạo ra sản phẩm;
- Giấy tờ chấp thuận của đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả của sản phẩm thuộc sở hữu chung.
3. Thủ tục đăng ký bản quyền sản phẩm như thế nào?
Thủ tục đăng ký quyền tác giả sản phẩm được thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1: Xác định loại hình bảo hộ bản quyền
Loại hình sản phẩm đăng ký bảo hộ bản quyền sẽ được chia thành nhiều đối tượng khác nhau và tùy vào từng sản phẩm sẽ được đăng ký dưới hình thức khác nhau.
Bước 2: Chuẩn bị thông tin, giấy tờ đăng ký
Sau khi xác định được loại hình sẽ đăng ký quyền tác giả, chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền tiến hành chuẩn bị thông tin và tài liệu cần thiết để nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả sản phẩm.
Bước 3: Soạn thảo hồ sơ đăng ký
Chuẩn bị kỹ lưỡng những giấy tờ đăng ký bảo hộ như trên. Vì trong quá trình xử lý hồ sơ, cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ sẽ thẩm định hồ sơ. Nếu bị thiếu giấy tờ hoặc giấy tờ không hợp lệ sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Điều này làm mất thời gian, công sức lẫn tiền bạc của bạn.
Bước 4: Nộp hồ sơ
Chủ sở hữu có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người khác nộp hồ sơ tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả ở Hà Nội. Nếu ở các tỉnh miền Nam và miền Trung có thể đăng ký tại Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả ở TP.HCM và Đà Nẵng để thuận tiện.
Bước 5: Theo dõi quá trình xử lý
Như đã nói, trong quá trình thẩm định, cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ có thể yêu cầu người nộp đơn sửa đổi hoặc bổ sung hồ sơ. Do đó, bạn cần theo dõi quá trình để kịp thời điều chỉnh.
Bước 6: Nhận văn bằng bảo hộ
Sau khi thẩm định và xác nhận hồ sơ hợp lệ và đầy đủ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu để ghi nhận quyền sở hữu quyền tác giả cho chủ sở hữu.