Giấy phép thành lập doanh nghiệp
Mục lục
Giấy phép thành lập doanh nghiệp hay còn được biết với tên gọi là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp – Đây là giấy tờ pháp lý được thể hiện dưới dạng văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp nhằm ghi lại những thông tin về đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách để nhận được Giấy phép thành lập doanh nghiệp.

1. Hồ sơ xin Giấy phép thành lập doanh nghiệp?
Mỗi loại hình kinh doanh sẽ yêu cầu bộ hồ sơ đăng ký Giấy phép thành lập doanh nghiệp khác nhau, cụ thể như sau:
Thứ nhất, công ty tư nhân:
- Đơn yêu cầu thành lập công ty;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của chủ công ty.
Thứ hai, công ty hợp danh:
- Đơn yêu cầu thành lập công ty;
- Điều lệ thành lập công ty;
- Danh sách thành viên;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của các thành viên;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc từ hai thành viên trở lên:
- Đơn yêu cầu thành lập công ty;
- Điều lệ thành lập doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của thành viên công ty là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
- Giấy tờ pháp lý của thành viên là tổ chức; giấy tờ tùy thân của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức;
- Giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, công ty cổ phần:
- Đơn yêu cầu thành lập công ty;
- Điều lệ thành lập doanh nghiệp;
- Danh sách cổ đông sáng lập;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
- Giấy tờ pháp lý của cổ đông là tổ chức; giấy tờ tùy thân của người đại diện theo ủy quyền;
- Giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài.

2. Quy trình xin cấp Giấy phép thành lập doanh nghiệp như thế nào?
Quy trình các bước khi thực hiện hiện xin cấp Giấy phép thành lập doanh nghiệp được diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị các thông tin cần thiết
Trước khi soạn thảo hồ sơ thành lập một công ty, chủ doanh nghiệp cùng các thành viên cần ngồi lại với nhau để bàn bạc và xác định các thông tin liên quan đến việc thành lập công ty, như:
- Lựa chọn loại hình công ty: Cần phải hiểu rõ đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có thể xác định và chọn lựa loại hình kinh doanh phù hợp. Các loại hình hiện nay gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần;
- Lựa chọn ngành nghề kinh doanh mà công ty sẽ hoạt động trong thời gian tới;
- Đặt tên công ty: Nên đặt tên ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm và không bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của các công ty đã thành lập trước đó;
- Lựa chọn địa chỉ trụ sở chính: Phải có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã/phường/thị trấn, huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc trung ương;
- Xác định người đại diện công ty để đại diện thực hiện các giao dịch như ký hợp đồng, ký các văn bản hồ sơ thuế….
Bước 2: Soạn thảo hồ sơ
Sau khi đã chuẩn bị xong các thông tin cần thiết, bạn tiến hành soạn thảo và chuẩn bị hồ sơ cần thiết tương ứng với từng loại hình kinh doanh như trên.
Bước 3: Xử lý hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, Phòng Đăng ký kinh doanh tiến hành nhập thông tin, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Nhận kết quả
Phòng đăng ký kinh doanh xem xét hồ sơ đăng ký và cấp Giấy chứng nhận thành lập công ty khi hồ sơ hợp lệ và đóng chi phí đầy đủ. Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận thành lập công ty thì sẽ thông báo bằng văn bản và rõ lý do từ chối.
3. Nội dung trên Giấy phép thành lập doanh nghiệp?
Hiện nay, nội dung trên Giấy phép thành lập doanh nghiệp sẽ bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:
- Tên và mã số doanh nghiệp;
- Địa chỉ trụ sở chính;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý người đại diện theo pháp luật công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Vốn điều lệ công ty, vốn đầu tư công ty tư nhân.