Để thành lập doanh nghiệp cần phải làm gì?
Mục lục
Để thành lập doanh nghiệp cần phải làm gì? Bạn luôn luôn cần phải chuẩn bị rất nhiều việc khi muốn thành lập công ty, từ khâu tìm hiểu quy định của pháp luật về mở công ty cho đến quá trình chuẩn bị hồ sơ, đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền. Hiểu rõ điều này, Văn phòng của chúng tôi sẽ tư vấn chi tiết về những điều này để các bạn có thể dễ dàng nắm rõ nội dung và cách thức thực hiện.
1. Để thành lập doanh nghiệp cần phải làm gì?
Thực tế, thì khi thành lập doanh nghiệp, chắc chắn bạn sẽ cần tiến hành thủ tục xin giấy phép mở công ty. Tuy nhiên trước khi làm thủ tục này, bạn cần phải:
- Xác định bản thân có quyền thành lập công ty không? Pháp luật quy định mọi chủ thể đều được thành lập doanh nghiệp, trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 như cán bộ, công chức, viên chức; người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;…
- Xác định ngành nghề dự định kinh doanh: Ngành nghề đăng ký hoạt động kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh. Công ty chỉ được phép kinh doanh những ngành nghề đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với ngành nghề có điều kiện thì công ty phải đảm bảo đáp ứng được điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Xác định vốn thành lập doanh nghiệp: Vốn thành lập công ty sẽ tùy thuộc vào khả năng tài chính của doanh nghiệp và yêu cầu về vốn của từng ngành nghề khi đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên chuẩn bị vốn tối thiểu đầy đủ bởi vì khi mới thành lập doanh nghiệp sẽ phải chi tiêu khá nhiều. Đối với những ngành nghề có điều kiện về mức vốn tối thiểu để thành lập công ty thì bắt buộc phải đáp ứng;
- Đặt tên công ty: Phải đáp ứng các điều kiện về cách đặt tên và không thuộc các trường hợp bị cấm như trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của công ty đã đăng ký; sử dụng từ ngữ vi phạm truyền thống lịch sử;…
- Lựa chọn địa điểm đặt trụ sở: Trụ sở phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ xác định.
2. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần những gì?
Mỗi loại hình sẽ cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khác nhau nhưng nhìn chung, để đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định;
- Danh sách thành viên (đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn), danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);
- Giấy tờ chứng thực cá nhân/tổ chức của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông sáng lập;
- Điều lệ công ty (đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần);
- Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền thực hiện đăng ký công ty.
3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp như thế nào?
Quy trình các bước thành lập công ty được diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ đăng ký và nộp hồ sơ
Tùy vào loại hình doanh nghiệp mà bạn lựa chọn để chuẩn bị một bộ hồ sơ đăng ký đầy đủ như trên. Sau khi chuẩn bị xong bộ hồ sơ, bạn lựa chọn phương thức nộp hồ sơ:
- Nộp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính;
- Nộp bằng đường bưu điện;
- Nộp online bằng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký hoạt động kinh doanh.
Bước 2: Nhận kết quả
Sau khi tiếp nhận bộ hồ sơ thành lập công ty, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thẩm định bộ hồ sơ. Nếu như hồ sơ thành lập công ty hợp lệ và đầy đủ sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ công ty không hợp lệ hoặc không đầy đủ thì sẽ nhận được văn bản thông báo từ chối có nêu rõ lý do.
Bước 3: Công bố thông tin doanh nghiệp
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Kê khai thuế
Sau khi có mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo thông báo của Cục thuế tỉnh/thành phố (thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế,…).
Bước 5: Khắc dấu
Chủ doanh nghiệp cần cần liên hệ với cơ quan liên quan và cơ quan công an để thực hiện thủ tục khắc dấu, đăng ký mẫu dấu.