Đăng ký sở hữu trí tuệ phần mềm năm 2022
Mục lục
Đăng ký sở hữu trí tuệ phần mềm sẽ bảo đảm cho chủ sở hữu phần mềm máy tính được pháp luật ghi nhận bảo hộ, tránh các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cách thức đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ phần mềm. Mong rằng bài viết sẽ hỗ trợ được cho các bạn trong quá trình.
Đăng ký sở hữu trí tuệ phần mềm theo hình thức nào?
Tại Việt Nam, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ phần mềm được quy định cụ thể tại Luật sở hữu trí tuệ. Hình thức đăng ký sở hữu trí tuệ phần mềm được bảo hộ độc quyền với tên gọi là chương trình máy tính, do Cục bản quyền tác giả Việt Nam cấp và ghi nhận quyền tác giả cho tác giả và quyền sở hữu cho chủ sở hữu của phần mềm máy tính.
Khi tổ chức, cá nhân đã được Cục bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận bảo hộ phần mềm thì kể từ lúc đó, bạn không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp xảy ra trong tương lai. Các thông tin liên quan đến phần mềm được đưa lên website của Cục bản quyền tác giả Việt Nam để cho chủ thể khác biết bạn là chủ thể có quyền với phần mềm đó. Bên cạnh đó, bạn cũng dễ dàng thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền cũng như yêu cầu nhà nước sử dụng các biện pháp thích hợp để xử lý những hành vi xâm phạm.
Quyền sở hữu trí tuệ phần mềm gồm những quyền nào?
Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phần mềm để hưởng và bảo vệ tối đa những quyền sau đây:
Thứ nhất, quyền nhân thân
Là những quyền được gắn liền với bản thân tác giả phần mềm và không thể chuyển giao cho chủ thể khác được, trừ quyền công bố tác phẩm. Quyền nhân thân gồm:
- Quyền đứng tên trên phần mềm; được nêu tên khi công bố, sử dụng phần mềm;
- Quyền đặt tên cho phần mềm;
- Quyền công bố phần mềm máy tính mà mình sở hữu hoặc cho phép chủ thể khác công bố phần mềm;
- Quyền không cho chủ thể khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc phần mềm.
Thứ hai, quyền tài sản
Đây là những quyền có thể chuyển giao cho chủ thể khác. Gồm những quyền sau:
- Làm tác phẩm phát sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Sao chép phần mềm;
- Quyền phân phối, quyền nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao phần mềm máy tính mà mình đang sở hữu;
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng;
- Quyền cho chủ thể khác thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính của bản thân.
Thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ phần mềm như thế nào?
Trình tự các bước khi đăng ký sở hữu trí tuệ phần mềm được diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ chương trình máy tính sẽ bao gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ phần mềm;
- Hai đĩa CD chứa nội dung và 02 bản in chương trình máy tính;
- Nếu uỷ quyền cho chủ thể khác thực hiện thì cần cung cấp giấy ủy quyền;
- Giấy tờ chứng minh quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ;
- Giấy tờ đồng ý đăng ký của đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý thực hiện đăng ký bảo hộ của chủ sở hữu.
Bước 2: Nộp đơn đăng ký
Nộp hồ sơ bảo hộ tại bộ phận 1 cửa trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng.
Bước 3: Quyết định cấp văn bằng
Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đầy đủ giấy tờ đăng ký hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp văn bằng bảo hộ đăng ký quyền tác giả. Nếu giấy tờ đăng ký bảo hộ phần mềm không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì Cục Bản quyền tác giả sẽ ra văn bản thông báo từ chối có nêu rõ lý do cho người nộp đơn.