Đăng ký nhãn hiệu cho nghệ sỹ – tại sao không?
Đối với một nghệ sỹ, việc xây dựng nghệ danh của mình trong lòng công chúng (người hâm mộ) là việc tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Là người nổi tiếng được nhiều người biết tới, nghệ sỹ thường xuyên xuất hiện, phủ sóng trên rất nhiều kênh thông tin, giải trí khác nhau, mọi động thái có liên quan đến nghệ sỹ đều được công chúng đặc biệt quan tâm. Chính vì lẽ đó, nghệ sỹ thường gặp trường hợp được các công ty, cá nhân khác “mượn” nghệ danh để thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc thực hiện các mục đích khác.
Khi nghệ danh của nghệ sỹ bị sử dụng cho mục đích xấu hoặc tác động tiêu cực đến cộng đồng thì bản thân nghệ sỹ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Những khó khăn và vất vả trong quá trình xây dựng nghệ danh của nghệ sỹ không thể kể hết bằng lời, do đó nghệ danh cũng là một tài sản mà người nghệ sỹ cần bảo vệ.
Đăng ký nhãn hiệu cho nghệ sỹ – tại sao không?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, có biện pháp nào có thể áp dụng để bảo vệ nghệ danh của nghệ sỹ không?
Mặc dù pháp luật không có quy định cụ thể khái niệm Nghệ danh của nghệ sỹ, nhưng các cữ quy định pháp luật hiện hành, Nghệ sỹ hoặc người nổi tiếng hoàn toàn có thể đăng ký bảo hộ nghệ danh dưới dạng một nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại điều 72.1 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc. Như vậy, nghệ danh của nghệ sỹ hay người nổi tiếng hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí là một nhãn hiệu.
Các nghệ sỹ, người nổi tiếng bên cạnh việc đăng ký nhãn hiệu là nghệ danh trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động giải trí để phục vụ cho công việc thường ngày thì nghệ sỹ có thể cân nhắc đăng ký bảo hộ cho các lĩnh vực khác như kinh doanh quần áo, nhà hàng, quán cà phê, mỹ phẩm, trung tâm chăm sóc sắc đẹp.… Đây là những lĩnh vực kinh doanh mà các nghệ sỹ có thể hoạt động trong tương lai và cũng là những lĩnh vực mà nghệ danh của nghệ sỹ thường bị “mượn” bởi người thứ ba.
Nhận thấy tầm quan trọng trong việc đăng ký nghệ danh dưới dạng nhãn hiệu, rất nhiều nghệ sỹ đã chủ động đăng ký nhãn hiệu cho nghệ danh của mình. Nghệ sỹ có thể đăng ký nghệ danh dưới hình thức thể hiện thông thường (chữ viết bình thường), hoặc chữ ký, hoặc hình ảnh bản thân, hoặc sự kết hợp của hình và chữ.
Đăng ký nhãn hiệu cho nghệ sỹ – tại sao không?
Ca sỹ Mỹ Tâm đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận cho rất nhiều mẫu nhãn hiệu khác nhau trong nhiều lĩnh vực như giải trí, mỹ phẩm, thời trang, hoạt động giải trí,… cho nghệ danh của mình từ rất sớm (có những nhãn hiệu được đăng ký từ năm 2007)
Đàm Vĩnh Hưng cũng là nghệ sỹ đã đăng ký cho mình rất nhiều nhãn hiệu liên quan đến nghệ danh trong cách lĩnh vực như thời trang, giải trí, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp,…
Đen Vâu cũng đã đăng ký nhãn hiệu cho nghệ danh của mình từ năm 2019 và hiện đang trong giai đoạn chờ kết quả thẩm định từ Cục SHTT.
Trên thực tế, có một số nghệ danh của nghệ sỹ cũng được nộp đơn đăng ký nhưng chủ đơn lại không phải là nghệ sỹ đó. Đơn cử như nhãn hiệu Sơn Tùng MTP đã được nộp đơn vào năm 2019 và đăng ký cho lĩnh vực liên quan đến giải trí nhưng chủ đơn lại là “Nguyễn Xuân Phương – địa chỉ Khu 10, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ”.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, một nhãn hiệu được bảo hộ khi đáp ứng một số yêu cầu của pháp luật và được cấp cho người nộp đơn đầu tiên. Nghĩa là ai nộp đơn trước thì sẽ được cấp nếu đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Do đó, các nghệ sỹ cần nhanh chóng đăng ký bảo hộ nghệ danh của mình dưới dạng nhãn hiệu trong thời gian sớm nhất để chủ động bảo vệ “tài sản” của chính mình.
Khi được cấp Văn bằng bảo hộ (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu), nghệ sỹ có thể yêu cầu người thứ ba chấm dứt các hành vi xâm phạm đến nhãn hiệu (nghệ danh) của mình, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (nghệ danh).
Như vậy, với một động tác đơn giản là đăng ký nhãn hiệu cho nghệ danh của mình, nghệ sỹ có thể:
- Chủ động trong việc bảo vệ nghệ danh, danh tiếng do mình xây dựng.
- Có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nghệ danh.
- Ngăn chặn nguy cơ bị bên thứ ba đăng ký trước nghệ danh.
- Tránh khỏi các phiền toái và rắc rối liên quan đến nghệ danh.
- Tạo sự chuyên nghiệp trong việc xây dựng nghệ danh, hình ảnh gắn với nghệ sỹ.