Bảo hộ tác phẩm phim dưới hình thức nào?
Mục lục
Phim ảnh là loại hình nghệ thuật giải trí quen thuộc đối với mọi người. Mỗi tác phẩm phim đều được tạo dựng nên từ rất nhiều yếu tố khác nhau, từ kịch bản, âm nhạc, hình ảnh, bối cảnh…. tổng hợp lại. Bởi vậy, phim là một tác phẩm kỳ công mang đậm dấu ấn của tác giả, ngoài ra lợi nhuận mà tác phẩm phim mang lại cho chủ sở hữu cũng rất to lớn nên việc bảo hộ tác phẩm phim là việc rất cần thiết.
Tác phẩm phim được bảo hộ ra sao?
Việc bảo hộ tác phẩm phim có thể xem như bảo hộ quyền tác phẩm điện ảnh. Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm điện ảnh là một trong những loại hình tác phẩm được pháp luật công nhận và bảo hộ quyền tác giả. Vì tác phẩm điện ảnh được tạo ra từ nhiều yếu tố khác nhau, vì vậy để xác định chi tiết quyền tác giả cho mỗi tổ chức, cá nhân đóng góp sáng tác, pháp luật có hướng dẫn chi tiết tại Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
- Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh là chủ sở hữu quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản theo quy định ở Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Tổ chức, cá nhân chủ đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận với những người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh.
Bảo hộ tác phẩm phim bằng cách nào?
Để đăng ký bảo hộ tác phẩm điện ảnh, bạn có thể chuẩn bị hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm bao gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả tác phẩm điện ảnh theo mẫu quy định
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả: CD/DVD chứa phim, bản thuyết minh phim,…
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
Trình tự xử lý hồ sơ đăng ký bản quyền
Khi nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả đến Cục Bản quyền (hoặc hai văn phòng đại diện của Cục), Cục sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ của bạn. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì Cục Bản quyền phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
Thời gian bảo hộ cho tác phẩm phim
Theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ thì thời gian bảo hộ cho tác phẩm điện ảnh, tác phẩm phim là vô thời hạn đối với các quyền:
- Đặt tên cho tác phẩm;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Tác phẩm điện ảnh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình. Thời gian bảo hộ này áp dụng cho các quyền:
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm
- Quyền tài sản theo quy định ở Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.