Đặc điểm của nhượng quyền thương mại
Mục lục
Mô hình nhượng quyền không còn xa lạ đối với Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Trước khi nhượng quyền, bạn cần nắm rõ mô hình nhượng quyền thương mại như thế nào? Đặc điểm của nhượng quyền thương mại như thế nào? Và quyền lợi, nghĩa vụ của các bên ra sao? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp thông qua bài tư vấn dưới đây.
1. Mô hình nhượng quyền thương mại hiểu như thế nào?
Mô hình nhượng quyền thương mại được xây dựng bởi ít nhất hai bên, bên nhượng quyền thương mại và bên nhận nhượng quyền thương mại, trong đó:
- Bên nhượng quyền cho bên nhận nhượng quyền sử dụng quyền thương mại để tiến hành kinh doanh. Ngoài ra, bên nhượng quyền có thể ràng buộc bên nhận nhượng quyền bởi các thỏa thuận nhằm duy trì tính hệ thống hoặc để kiểm soát hoạt động của bên nhận nhượng quyền trên cơ sở hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân sự cũng như một số cơ sở vật chất cần thiết;
- Bên nhận quyền thương mại sẽ phải trả phí nhượng quyền cho bên nhượng quyền, gồm phí nhượng quyền ban đầu và phí nhượng quyền trả định kỳ dựa vào nguồn doanh thu hàng tháng, hàng năm của bên nhận nhượng quyền.
2. Đặc điểm của nhượng quyền thương mại là gì?
Hiện nay, đặc điểm của nhượng quyền thương mại như sau:
- Chủ thể nhượng quyền gồm bên nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền thương mại và đều phải là thương nhân;
- Đối tượng nhượng quyền là quyền thương mại: Quyền thương mại là quyền tiến hành kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo cách thức của bên nhượng quyền, cùng với đó là việc được sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết kinh doanh,… của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn tồn tại một mối quan hệ hỗ trợ mật thiết: Tính mật thiết được thể hiện từ khi các bên thiết lập quan hệ nhượng quyền thương mại. Khi đó, bên nhượng quyền phải tiến hành việc cung cấp tài liệu, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền. Không chỉ vậy, bên nhượng quyền phải thường xuyên trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền thương mại đối với những ứng dụng mới áp dụng chung cho cả hệ thống;
- Luôn có sự kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành công việc của bên nhận quyền: Quyền kiểm soát được thể hiện ở việc bên nhượng quyền có thể định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện các quyền thương mại của Bên nhận quyền. Sự kiểm soát hoạt động điều hành kinh doanh của bên nhận quyền là cần thiết để tạo nên chất kết dính quan trọng trong việc xây dựng tính thống nhất của hệ thống nhượng quyền và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên nhượng quyền như thế nào?
Bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều có những quyền lợi và nghĩa vụ khi thực hiện nhượng quyền thương mại, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quyền lợi và nghĩa vụ của bên nhượng quyền
Về quyền lợi:
- Nhận tiền nhượng quyền;
- Tổ chức hoạt động quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại;
- Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.
Về nghĩa vụ:
- Cung cấp tất cả tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;
- Đào tạo ban đầu và hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận nhượng quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Thiết kế và sắp xếp địa điểm để bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;
- Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với tất cả đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;
- Đối xử bình đẳng với tất cả thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Thứ hai, quyền lợi và nghĩa vụ của bên nhận quyền
Về quyền lợi:
- Yêu cầu bên nhượng quyền trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Yêu cầu bên nhượng quyền phải đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Về nghĩa vụ:
- Trả tiền nhượng quyền và những khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
- Đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;
- Chấp nhận sự kiểm soát, sự giám sát và hướng dẫn từ bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;
- Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;
- Ngừng sử dụng quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh…) (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;
- Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.