Chủ thể có quyền xử lý hành vi vi phạm bản quyền phần mềm
Mục lục
Hành vi vi phạm bản quyền phần mềm ngày càng diễn ra thường xuyên và gây ra những tổn thất không hề nhỏ cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và những người liên quan. Bài viết dưới đây sẽ tư vấn cho Quý vị những hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm thường gặp cũng như cách để bảo vệ bản quyền phần mềm.
1. Bản quyền phần mềm hiểu như thế nào?
Bản quyền phần mềm là quyền nhân thân của tác giả và quyền tài sản của chủ sở hữu phần mềm máy tính kể từ khi được tạo ra và thể hiện dưới dạng vật chất nhất định mà không cần phải tiến hành quy trình các bước đăng ký bảo hộ độc quyền bản quyền tại Cục bản quyền tác giả. Kể từ khi sáng tạo ra phần mềm máy tính và được thể hiện dưới một dạng nhất định thì bạn đã có thể yêu cầu các chủ thể khác ngừng các hành vi xâm phạm tới quyền, lợi ích của bạn.
Mặc dù không bắt buộc đăng ký phần mềm nhưng đây lại là thủ tục quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu một cách tối đa. Khi được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ thì bạn không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, bạn cũng dễ dàng thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền cũng như yêu cầu cơ quan chức năng sử dụng các biện pháp thích hợp để xử lý những hành vi xâm phạm.
2. Hành vi vi phạm bản quyền phần mềm gồm những hành vi nào?
Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ liệt kê những hành vi vi phạm bản quyền phần mềm thường gặp như sau:
- Công bố phần mềm, phân phối phần mềm mà không được sự cho phép của tác giả; Sửa chữa tác phẩm, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến tác giả;
- Chiếm đoạt bản quyền phần mềm;
- Mạo danh tác giả;
- Sao chép phần mềm mà không được sự cho phép;
- Làm tác phẩm phái sinh khi chưa được sự cho phép;
- Sử dụng phần mềm mà không được sự cho phép của chủ sở hữu, không trả tiền nhuận bút, tiền thù lao hay bất kỳ quyền lợi vật chất khác;
- Cố tình xóa hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử,…
3. Những biện pháp tự bảo vệ bản quyền phần mềm?
Khi phát hiện ra hành vi vi phạm bản quyền phần mềm của chủ thể khác, bạn có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ:
- Áp dụng biện pháp công nghệ;
- Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi công khai, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm, như cơ quan Thanh tra, Uỷ ban nhân dân các cấp, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Tòa án,…
- Nộp đơn khởi kiện để yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
4. Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm bản quyền phần mềm?
Những cơ quan sau đây có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm:
- Áp dụng các biện pháp về dân sự: Được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu phần mềm hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Và Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Khi cần thiết, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Áp dụng các biện pháp về hình sự: Được áp dụng trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Và Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Khi cần thiết, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: Được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu phần mềm, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc chủ thể phát hiện ra hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra. Và cơ quan Thanh tra, Uỷ ban nhân dân các cấp, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan sẽ có thẩm quyền giải quyết. Khi cần thiết, những cơ quan này có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt về hành chính;
- Áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu: Thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hải quan.