Phân biệt quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ
Mục lục
Quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn phương thức bảo hộ phù hợp nhất cho từng đối tượng, bạn cần nắm bắt được các đặc điểm riêng biệt của hai loại quyền này. Phan Law Vietnam xin chia sẻ một số thông tin pháp lý liên quan ngay trong nội dung bài viết dưới đây để bạn đọc cùng tham khảo.
>>> Tham khảo thủ tục đăng ký bản quyền tác giả: Đăng ký bản quyền cần chuẩn bị những gì?
Quyền tác giả được bảo hộ như thế nào?
Quyền tác giả, còn được gọi là bản quyền được hiểu là quyền của tác giả, chủ sở hữu đối với tác phẩm của mình. Quyền tác giả sẽ bao gồm quyền nhân thân (gắn liền với tác giả) và quyền tài sản (đi đôi với lợi ích của chủ sở hữu).
Quyền nhân thân
Quyền nhân thân của quyền tác giả được liệt kê chi tiết tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ:
“Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”
Quyền tài sản
Quyền tài sản của quyền tác giả bao gồm các quyền để chủ sở hữu có thể khai thác giá trị kinh tế từ tác phẩm. Quyền tác giả bao gồm các quyền sau:
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Sao chép tác phẩm;
- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ như thế nào?
Như đã chia sẻ ở trên, quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cụ thể, quyền tác giả là phạm trù nằm trong quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ còn bao hàm hai loại quyền khác.
Quyền sở hữu công nghiệp
Theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”
Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập bảo hộ thông qua văn bằng bảo hộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân sở hữu đối tượng đủ điều kiện bảo hộ.
Quyền đối với giống cây trồng
Khoản 5 Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ có định nghĩa như sau: “Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.”
Trong đó, giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.