Bảo hộ tác phẩm điện ảnh năm 2020
Mục lục
Phim điện ảnh là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cuộc sống của mỗi người. Tác phẩm điện ảnh là đối tượng được pháp luật công nhân và bảo hộ quyền tác giả. Tìm hiểu thêm về phương thức bảo hộ tác phẩm điện ảnh trong nội dung bài viết dưới đây để có góc nhìn pháp lý rõ hơn cho công cuộc bảo vệ bản quyền.
Đối tượng nào được bảo hộ quyền tác giả?
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
- Tác phẩm báo chí;
- Tác phẩm âm nhạc;
- Tác phẩm sân khấu;
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự;
- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
- Tác phẩm nhiếp ảnh;
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả
Pháp luật cũng liệt kê rõ những đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả tại Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:
- “Tin tức thời sự thuần túy đưa tin.
- Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
- Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.”
Căn cứ bảo hộ quyền tác giả
Đối với các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ, quyền tác giả sẽ phát sinh theo cơ chế tự động. Có nghĩa là sau khi tác phẩm điện ảnh của bạn được định hình, được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Làm cách nào để xác nhận bảo hộ tác phẩm điện ảnh?
Tuy được bảo hộ theo cơ chế tự động, những khi đã xảy ra tranh chấp rất khó để xác minh đâu là tác giả, chủ sở hữu thật sự của tác phẩm; nhất là đối với tác phẩm điện ảnh! Vì tác phẩm điện ảnh được cấu tạo nên từ rất nhiều các tác giả, chủ đầu tư khác nhau tổng hợp lại. Để đảm bảo bảo hộ tác phẩm điện ảnh toàn vẹn nhất, bạn nên tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả: đối với tác phẩm điện ảnh bạn có thể nộp CD/DVD chưa tác phẩm kèm theo thuyết minh bằng giấy
- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
Khi chuẩn bị xong hồ sơ, bạn tiến hành nộp trực tiếp hoặc gián tiếp đến Cục Bản quyền tác giả, hoặc hai văn phòng đại diện của Cục Bản quyền với các địa chỉ sau:
- Trụ sở chính: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, TP.Hà Nội
- VP ở Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
- VP ở Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.