Giới thiệu – Những Điều Cần Biết Bản Quyền
Mục lục
Bản quyền hay còn gọi là quyền tác giả, đây là một trong những quyền sở hữu trí tuệ được nhà nước thừa nhận và bảo hộ. Trong thời đại xã hội ngày càng phát triển, việc bảo vệ quyền lợi của bản thân đang dần được chú trọng hơn. Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền tác giả một cách tối ưu? Muốn làm được điều đó thì bạn cần có cái nhìn chung về bản quyền đã.
Có bắt buộc phải đăng ký bản quyền tác giả không?
Theo quy định của pháp luật thì quyền tác giả được tự động bảo hộ kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra và thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định mà không cần tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền tại Cục bản quyền tác giả.
Mặc dù không bắt buộc phải đăng ký nhưng thiết nghĩ Quý vị nên tới cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục đăng ký để bảo vệ tối ưu quyền lợi của mình. Khi hồ sơ hợp lệ thì Cục bản quyền tác giả sẽ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì Quý vị sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Bên cạnh đó, việc hưởng quyền tác giả cũng được thực hiện một cách dễ dàng.
Bản quyền gồm những quyền nào theo quy định pháp luật?
Theo quy định sở hữu trí tuệ thì bản quyền gồm có quyền nhân thân của tác giả và quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, quyền nhân thân
Về mặt bản chất thì đây là những quyền gắn liền với tác giả và không thể chuyển giao được, trừ quyền công bố tác phẩm. Quyền nhân thân gồm những quyền sau:
- Đặt tên cho tác phẩm.
- Đứng tên trên tác phẩm; được nêu tên khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm
Thứ hai, quyền tài sản
Đây là những quyền có thể chuyển giao được. Gồm những quyền sau:
- Làm tác phẩm phái sinh
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng
- Sao chép tác phẩm
- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả như thế nào?
Pháp luật chia ra hai trường hợp để bảo hộ quyền tác giả. Cụ thể là:
Thứ nhất, quyền được bảo hộ vô thời hạn.
Những quyền nhân thân thuần túy sẽ được bảo hộ vô thời hạn, cho dù tác giả chết thì những quyền nhân thân này vẫn được bảo hộ và những chủ thể khác không được xâm phạm. Những quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn đó là:
- Đặt tên cho tác phẩm.
- Đứng tên trên tác phẩm; được nêu tên khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm
Thứ hai, quyền được bảo hộ có thời hạn.
Đó là quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản. Hết thời hạn bảo hộ thì những quyền này sẽ thuộc về công chúng, tức là bất kỳ chủ thể nào cũng có thể sử dụng.