Trích dẫn hợp lý phải đáp ứng điều kiện gì?
Trích dẫn tác phẩm là một phần của quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, trong quá trình nghiên cứu, sáng tác,.. thường thêm dẫn chứng bằng cách trích dẫn một phần của các tác phẩm khác. Đây là hành động nhằm mục đích nêu thêm lý lẽ, luận cứ của mình, hay một số trường hợp là phân tích nội dung của tác phẩm trích dẫn.
Vậy, trích dẫn như thế nào để đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, không làm sai lệch ý tưởng của tác giả và đúng được ý đồ của người trích dẫn.
Trong pháp luật sở hữu trí tuệ, cụ thể là Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi trích dẫn dưới đây không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao:
– Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
– Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
– Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại.
Theo Điều 23 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định về trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại thì việc trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.
– Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.
Như vậy, trong các hoạt động nghiên cứu, kế thừa cần lưu ý các quy định về trích dẫn để tránh sự vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng của các tác giả trước.