Quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm nào?
Mục lục
Quyền tác giả là một trong những quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do bản thân sáng tạo ra hoặc sở hữu. Vậy quyền tác giả phát sinh từ khi nào? Thủ tục đăng ký bảo hộ như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ trả lời và hướng dẫn chi tiết cho các bạn.
1. Quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm nào?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2022 thì bản quyền phát sinh kể từ khi tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định; mà không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Như vậy, có thể thấy, bản quyền được bảo hộ tự động khi được sáng tạo và thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định mà không cần phải làm thủ tục đăng ký bảo hộ. Mặc dù không cần phải đăng ký nhưng trên thực tế, việc đăng ký lại rất cần thiết, vì nó sẽ bảo vệ tối đa quyền lợi của bạn và hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.
2. Hồ sơ đăng ký độc quyền quyền tác giả
Thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả gồm những giấy tờ như sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả (phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; thời gian hoàn thành; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tóm tắt nội dung tác phẩm; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan trách nhiệm đối với thông tin trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ);
- 02 bản sao tác phẩm dự định đăng ký quyền tác giả;
- Giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh bản thân là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, các đồng chủ sở hữu nếu tác phẩm có đồng tác giả, quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
3. Thủ tục đăng ký quyền tác giả
Trình tự các bước đăng ký quyền tác giả như sau:
Bước 1: Xác định chính xác loại hình tác phẩm
Pháp luật sở hữu trí tuệ phân chia tác phẩm thành nhiều loại hình khác nhau. Do đó, tùy vào từng tác phẩm mà sẽ được đăng ký dưới hình thức khác nhau.
Bước 2: Chuẩn bị giấy tờ đăng ký bản quyền
Sau khi xác định loại hình tác phẩm sẽ đăng ký, tác giả, chủ sở hữu cần chuẩn bị tài liệu cần thiết để nộp hồ sơ đăng ký.
Bước 3: Soạn thảo giấy tờ đăng ký
Chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ những giấy tờ đăng ký bảo hộ bản quyền cho tác phẩm như trên.
Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm nộp 01 hồ sơ đăng ký tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả ở Thủ đô Hà Nội. Nếu đăng ký ở các tỉnh miền Nam, miền Trung có thể đăng ký tại văn phòng giao dịch Cục Bản quyền tác giả ở TP HCM, Đà Nẵng để thuận tiện.
Bước 5: Theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ
Sau khi nộp hồ sơ đăng ký tại Cục bản quyền tác giả, cán bộ tiếp nhận sẽ thẩm định bộ hồ sơ. Trong quá trình thẩm định, cán bộ tiếp nhận có thể yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ để được chấp nhận hợp lệ.
Bước 6: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ bản quyền
Sau khi thẩm định hồ sơ và xác nhận hồ sơ hợp lệ, đầy đủ, Cục bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký để ghi nhận quyền sở hữu đối với tác phẩm.