Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng xuất hiện nhiều gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh hoặc những tác giả, tác phẩm,… Nếu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử phạt như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết những thông tin về chế tài, hình phạt của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua bài viết dưới đây!
1. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại và sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng ngày càng nghiêm trọng và đáng báo động trên toàn thế giới.
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là hành vi xâm phạm các đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ. Những hành vi đó bao gồm:
- Hành vi xâm phạm quyền tác giả;
- Hành vi xâm phạm quyền liên quan;
- Hành vi xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
- Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh;
- Hành vi xâm phạm nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
2. Chế tài xử phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
2.1. Chế tài hành chính
Trong trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử phạt hành chính.
Các hành vi và mức xử phạt được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 và Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Trong đó:
- Các hình thức xử phạt chủ yếu là: Cảnh cáo hoặc phạt tiền;
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy vật phẩm, hàng hóa vi phạm; loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hóa, phương tiện kinh doanh; buộc phân phối hoặc sử dụng không nhằm mục đích thương mại với điều kiện không ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại bình thường của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
2.2. Chế tài dân sự
Xử phạt dân sự có thể được áp dụng song song với xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 biện pháp dân sự có thể được áp dụng là:
- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Xem thêm: Cách đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả
2.3. Chế tài hình sự
Khi hành vi xâm phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu nguy hiểm cho xã hội, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ khởi tố vụ án, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
- Theo quy định tại Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 thì cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định cụ thể tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 225 và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226, trong đó quy định rõ khung giá trị vi phạm để áp dụng các hình phạt.
3. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 quy định chủ thể có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
- Áp dụng các biện pháp công nghệ để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án, trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.