Thủ tục đăng ký bản quyền – Chi phí đăng ký bản quyền tác giả là bao nhiêu?
Mục lục
Chi phí đăng ký bản quyền tác giả là khoản phí mà tác giả, chủ sở hữu tác phẩm sẽ phải nộp cho Cục bản quyền tác giả khi tiến hành thủ tục bảo hộ tác phẩm. Với mỗi loại hình tác phẩm khác nhau sẽ có chi phí đăng ký bản quyền tác giả khác nhau.
1. Những loại hình tác phẩm đăng ký quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022 về các loại hình tác phẩm thuộc đối tượng đăng ký quyền tác giả bao gồm:
- Tác phẩm văn học, khoa học; giáo trình, sách giáo khoa và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
- Bài giảng, bài nói khác, bài phát biểu;
- Tác phẩm báo chí; âm nhạc; sân khấu; điện ảnh; tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; nhiếp ảnh; kiến trúc; văn học, nghệ thuật dân gian;
- Bản họa đồ, bản đồ, sơ đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình; kiến trúc, công trình khoa học;
- Chương trình máy tính;
- Sưu tập dữ liệu;
- Tác phẩm phái sinh từ các loại hình nêu trên nếu không có gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm dùng làm tác phẩm phái sinh.
Lưu ý: Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, như: tin tức thời sự thuần tuý đưa tin; văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu,…
2. Chi tiết cách đăng ký bảo hộ quyền tác giả
Thủ tục các bước đăng ký bản quyền tác giả sẽ được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Phân loại tác phẩm bảo hộ
Xác định rõ tác phẩm sẽ được bảo hộ theo loại hình tác phẩm nào trong số những loại hình được liệt kê như trên, như: phần mềm máy tính đăng ký bảo hộ dưới loại hình tác phẩm là phần mềm máy tính, bài hát đăng ký dưới hình thức tác phẩm âm nhạc,…
Xem thêm: Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả
Bước 2: Hồ sơ đăng ký bản quyền
Sau khi lựa chọn được loại hình tác phẩm đăng ký cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký, gồm:
- Đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ bản quyền;
- Bản sao tác phẩm đăng ký bản hộ;
- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn được uỷ quyền đăng ký bản quyền;
- Giấy tờ chứng minh quyền nộp đơn khi được thụ hưởng từ người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
- Văn bản đồng ý đăng ký bảo hộ của đồng tác giả, đồng chủ sở hữu, nếu có đồng tác giả; thuộc sở hữu chung.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký
Sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ, bạn có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện tại Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Bước 4: Theo dõi hồ sơ cho đến khi có quyết định cuối cùng
Sau khi hồ sơ được nộp, bạn cần theo dõi hồ sơ và kịp thời bổ sung hoặc sửa chữa hồ sơ (nếu có) theo yêu cầu của cán bộ xử lý hồ sơ, thông báo từ chối hoặc thông báo chấp thuận cấp GCN đăng ký bản quyền.
3. Chi phí đăng ký bản quyền tác giả
Căn cứ quy định tại Điều 4 của Thông tư 211/2016/TT-BTC quy định mức phí đối với từng loại hình tác phẩm như sau:
Chi phí cho việc đăng ký quyền tác giả là 100.000 đồng áp dụng đối với các loại hình tác phẩm sau:
- Tác phẩm viết;
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
- Tác phẩm báo chí; âm nhạc; nhiếp ảnh.
Chi phí cho việc đăng ký quyền tác giả là 300.000 đồng áp dụng đối với các loại hình tác phẩm sau:
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học.
Chi phí cho việc đăng ký quyền tác giả là 400.000 đồng áp dụng đối với các loại hình tác phẩm sau:
- Tác phẩm tạo hình;
- Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Chi phí cho việc đăng ký quyền tác giả là 500.000 đồng áp dụng đối với các loại hình tác phẩm sau:
- Tác phẩm điện ảnh;
- Tác phẩm sân khấu được định hình trên băng, đĩa.
Chi phí cho việc đăng ký bản quyền là 600.000 đồng áp dụng đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu, các chương trình chạy trên máy tính.