Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả?
Khi hình thành và được công bố, truyền đạt tới công chúng là một trong những quyền cơ bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Trong pháp luật Sở hữu trí tuệ, quyền “truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác”.
(Điểm đ Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ) là một trong quyền tài sản mà chủ sở hữu quyền tác giả, tác giả (trong trường hợp đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả) được hưởng.
Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP cũng quy định rằng: “Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn”.
Tuy vậy, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng không thuộc về duy nhất chủ thể “chủ sở hữu quyền tác giả”. Theo các Điều 25, Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ thì những phương thức truyền đạt tác phẩm mà các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện mà không phải xin phép (phải đáp ứng các điều kiện khác):
– Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
– Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
– Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
– Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
Bên cạnh đó, quyền “truyền đạt tác phẩm đến công chúng” thuộc nhóm quyền tài sản, được bảo hộ trong thời gian nhất định theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó khi hết thời hạn bảo hộ, các cá nhân, tổ chức khác cũng có quyền này, nghĩa là họ có quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng nếu đáp ứng được các quy định khác của pháp luật.