Những cách thức bạn cần biết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Mục lục
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là nhà nước và chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ sẽ sử dụng các phương thức để bảo vệ quyền sở hữu các đối tượng trí tuệ của mình, nhằm chống lại mọi hành vi xâm phạm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết cách thức để bảo vệ.
1. Cách thức bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ
Nhà nước và chủ sở hữu quyền bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng cách sử dụng các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu đối với các đối tượng thuộc sở hữu của mình. Việc làm này nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên thực tế và là việc xử lý khi có hành vi xâm phạm.
Trong đó chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể tự bảo vệ hoặc bằng hoạt động của cơ quan chức năng thông qua việc khởi kiện tại Tòa án, hoặc gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như: cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, UBND các cấp.
2. Tự áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Biện pháp tự bảo vệ cho phép chủ thể bị xâm phạm quyền được áp dụng những biện pháp nhất định để bảo vệ quyền và lợi ích của minh. Các biện pháp tự vệ có thể lựa chọn để áp dụng là:
- Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền,… nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm;
- Khởi kiện ra tòa án, trọng tài để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Bạn có thể sử dụng các biện pháp này bằng cách trực tiếp gặp chủ thể vi phạm hoặc bằng các phương thức khác như: gửi email, gọi điện thoại, fax hoặc tiến hành những hành vi cụ thể khác để bảo vệ quyền sở hữu của mình.
Trong thực tế, khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được ưu tiên áp dụng là các biện pháp tự bảo vệ. Bởi biện pháp này tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ thể và giúp nhanh chóng ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm.
3. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo hộ
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà nhà nước sẽ xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Cụ thể như sau:
3.1. Đầu tiên, biện pháp dân sự
Được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc của chủ thể bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đang hoặc đã bị xử lý hành chính, hình sự.
Thẩm quyền xử lý, trình tự áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Bởi vì các tranh chấp sở hữu trí tuệ thuộc tranh chấp dân sự.
3.2. Thứ hai, biện pháp hành chính
Cách thức bảo vệ quyền bằng biện pháp này gồm các hình thức xử phạt hành chính (xử phạt chính, xử phạt bổ sung) và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Hai biện pháp xử phạt chính thường được sử dụng là cảnh cáo và phạt tiền. Bên cạnh đó, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như sau: tịch thu hàng hóa giả mạo, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo; đình chỉ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm trong một thời hạn nhất định,…
Tùy từng trường hợp, chủ thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn phải chịu áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, như: buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo,…
3.3. Thứ ba, biện pháp hình sự
Khi hành vi xâm phạm gây nguy hiểm cho xã hội và cấu thành tội phạm thì cá nhân, tổ chức đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự quy định các tội danh và hình phạt tương ứng. Việc áp dụng biện pháp hình sự thuộc thẩm quyền của cơ quan toà án.