Hồ sơ, thủ tục thực hiện công bố thực phẩm chức năng
Mục lục
Để thực phẩm chức năng được phép lưu thông trên thị trường, các cá nhân, tổ chức kinh doanh phải thực hiện quy trình công bố với vô số các loại giấy tờ, thủ tục phức tạp. Nếu như không nắm rõ hồ sơ, thủ tục thì sẽ rất rối. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về hồ sơ, thủ tục công bố thực phẩm chức năng, giúp bạn dễ dàng thực hiện công bố sản phẩm.
1. Hồ sơ đăng ký công bố thực phẩm chức năng
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm.
Hồ sơ đăng ký bản công bố thực phẩm chức năng như sau:
Thứ nhất, sản phẩm nhập khẩu
- Bản công bố sản phẩm (Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 15/2018/NĐ-CP);
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do, Giấy chứng nhận xuất khẩu hoặc Giấy chứng nhận y tế của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ/xuất khẩu cấp (hợp pháp hóa lãnh sự);
- Bản chính/bản sao y phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trong 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định/phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025;
- Bản chính/bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố;
- Bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân GCN cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu GMP hoặc chứng nhận tương đương khi sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ 01/07/2019.
Thứ hai, sản phẩm được sản xuất trong nước
- Bản công bố sản phẩm (Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 15/2018/NĐ-CP);
- Bản chính/bản sao y phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trong 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025;
- Bản chính/bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố;
- Bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân GCN cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi cơ sở thuộc đối tượng phải cấp GCN cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân GCN cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu GMP khi sản phẩm sản xuất trong nước là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ 01/07/2019.
2. Cách thức nộp hồ sơ đăng ký
Bạn có thể nộp hồ sơ thông qua những cách sau:
- Nộp qua trang web hệ thống dịch vụ công trực tuyến;
- Nộp qua đường bưu điện;
- Nộp trực tiếp đến cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ.
3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ
Đối với từng loại thực phẩm chức năng, bạn sẽ nộp hồ sơ tới những cơ quan khác nhau. Cụ thể như sau:
- Bộ Y tế: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
- Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định: Thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
4. Những điều cần lưu ý khi đăng ký công bố
Bạn cần lưu ý những vấn đề sau để tránh xảy ra sai sót:
- Các tài liệu trong hồ sơ phải được thể hiện bằng tiếng Việt. Nếu có tài liệu bằng tiếng nước ngoài, phải dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Tài liệu phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ;
- Khi sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ của cả Bộ Y tế và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định thì bạn có quyền lựa chọn nộp hồ sơ đến Bộ Y tế hoặc sản phẩm thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký của cơ quan nào thì nộp hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận đó;
- Khi có từ 02 cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì chỉ đăng ký bản công bố sản phẩm tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do bạn lựa chọn, trừ những sản phẩm đăng ký tại Bộ Y tế. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để đăng ký thì những lần đăng ký tiếp theo phải đăng ký tại cơ quan đã lựa chọn.