Các điều kiện thành lập doanh nghiệp
Mục lục
Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký mở công ty, bạn cần đáp ứng các điều kiện thành lập doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ tư vấn chi tiết những điều kiện mà bạn cần đáp ứng khi muốn mở công ty để thực hiện hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tư vấn hồ sơ đăng ký và thủ tục đăng ký thành lập công ty như thế nào?
1. Ý nghĩa của việc thành lập doanh nghiệp?
Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp không chỉ là đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu doanh nghiệp mà còn góp phần đảm bảo trật tự quản lý cũng như sự phát triển cho đất nước. Cụ thể như sau:
Đối với nhà nước: Giúp cơ quan nhà nước nắm bắt được các yếu tố kinh doanh, từ đó đưa ra các chính sách, biện pháp kịp thời và hợp lý. Điều này giúp đảm bảo được một nền kinh tế hiện đại nhưng vẫn luôn bám sát đường lối, chủ trương của nhà nước đề ra.
Đối với chủ thể công ty: Được thừa nhận về mặt pháp luật và có quyền tiến hành đăng ký kinh doanh dưới sự bảo vệ của luật pháp. Với việc pháp luật thừa nhận doanh nghiệp được thành lập, nghĩa là từ nay doanh nghiệp có cơ sở pháp lý chắc chắn để yêu cầu cơ quan nhà nước đảm bảo các quyền lợi chính đáng của mình để thực hiện hoạt động kinh doanh.
Đối với xã hội: Công khai với tất cả mọi người về sự tồn tại của doanh nghiệp. Đây cũng được xem là một trong những cách để quảng cáo doanh nghiệp nhằm tìm kiếm đối tác và khách hàng.
Đối với kinh tế: Khi đăng ký kinh doanh thì công ty sẽ có tư cách là một thành viên trong thành phần kinh tế và góp phần cho sự phát triển của cả đất nước.
2. Các điều kiện thành lập doanh nghiệp hiện nay là gì?
Khi muốn thành lập doanh nghiệp, bạn cần đáp ứng các điều kiện thành lập doanh nghiệp như sau:
- Phải là chủ thể có quyền thành lập công ty: Pháp luật quy định mọi chủ thể đều được thành lập doanh nghiệp, trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 như cán bộ, công chức, viên chức; người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự…
- Lựa chọn những ngành nghề được phép kinh doanh: Ngành nghề đăng ký hoạt động kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh. Công ty chỉ được phép kinh doanh những ngành nghề đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với ngành nghề có điều kiện thì công ty phải đảm bảo đáp ứng được điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Xác định vốn thành lập doanh nghiệp: Vốn thành lập công ty sẽ tùy thuộc vào khả năng tài chính của doanh nghiệp và yêu cầu về vốn của từng ngành nghề khi đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên chuẩn bị vốn tối thiểu đầy đủ bởi vì khi mới thành lập doanh nghiệp sẽ phải chi tiêu khá nhiều. Đối với những ngành nghề có điều kiện về mức vốn tối thiểu để thành lập công ty thì bắt buộc phải đáp ứng;
- Đặt tên công ty: Phải đáp ứng các điều kiện về cách đặt tên và không thuộc các trường hợp bị cấm như trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của công ty đã đăng ký; sử dụng từ ngữ vi phạm truyền thống lịch sử;…
- Lựa chọn địa điểm đặt trụ sở: Trụ sở phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ xác định.
3. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp diễn ra như thế nào?
Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được diễn ra theo trình tự các bước như sau:
Bước 1: Soạn thảo hồ sơ
Mỗi loại hình sẽ cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khác nhau nhưng nhìn chung sẽ bao gồm một số những giấy tờ như sau:
- Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp;
- Dự thảo điều lệ công ty;
- Bản sao y công chứng, chứng thực chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu/các giấy tờ tương đương của người sáng lập, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cùng với các giấy tờ chứng thực cá nhân người quản lý phần vốn góp được đại diện theo ủy quyền (đối với tổ chức góp vốn);
- Quyết định thành lập doanh nghiệp, GCN đăng ký doanh nghiệp hoặc những tài liệu tương đương khác của tổ chức;
- Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền thực hiện đăng ký công ty.
Bước 2: Nộp hồ sơ công ty
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ công ty, bạn nộp bộ hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Xử lý hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh tiến hành nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Nhận kết quả
Phòng đăng ký kinh doanh xem xét hồ sơ đăng ký và cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp khi hồ sơ hợp lệ và đóng chi phí đầy đủ. Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp thì sẽ thông báo bằng văn bản và rõ lý do từ chối.