Những lưu ý khi đăng ký bản quyền bài hát năm 2021
Mục lục
Âm nhạc luôn là liều thuốc tinh thần hữu dụng với mọi người, mọi lứa tuổi. Về mặt pháp lý, mỗi tác phẩm âm nhạc đều là là tài sản quý giá đối với tác giả, chủ sở hữu. Hoạt động đăng ký bản quyền bài hát chính là bước đệm quan trọng để chủ sở hữu, tác giả tác phẩm âm nhạc xây dựng nền tảng pháp lý bền vững. bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà mình đang sở hữu đối với loại tác phẩm này.
Hình thức thể hiện của tác phẩm âm nhạc
Tác phẩm âm nhạc là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả là quyền sở hữu trí tuệ được phát sinh trên cơ chế tự động như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”.
Tuy nhiên để phát sinh quyền, mỗi bài hát phải được thể hiện đúng hình thức theo quy định tại Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP: “thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.”
Đăng ký bản quyền bài hát như thế nào?
Tuy đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc. Nhưng bạn vẫn có thể thực hiện thủ tục với Cục Bản quyền để được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với bài hát mà mình đang sở hữu. Thủ tục đăng ký bản quyền bài hát cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng ký bản quyền bài hát
- Bản sao chứng từ chứng minh nhân thân của tác giả
- Bản in bài hát
- Bản cam kết, bản tuyên bố tác giả và chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc
- Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền âm nhạc (Trong trường hợp chủ sở hữu thuê, mua bài hát từ tác giả)
- Các tài liệu khác liên quan đến quá trình sáng tác, sở hữu bài hát (nếu có)
Sau khi chuẩn bị hồ sơ hoàn chỉnh, bạn nộp hồ sơ đến Cục Bản quyền hoặc các văn phòng đại diện của Cục. Thời gian xử lý đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được quy định Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.”
Có thể thấy, thủ tục đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm âm nhạc diễn ra khá nhanh và không yêu cầu hồ sơ quá khó khăn, rườm rà.
Có thể khai thác bản quyền bài hát bằng cách nào?
Sau khi đăng ký bản quyền bài hát, bạn có thể yên tâm tập trung sử dụng, khai thác giá trị thương mại đối với tác phẩm mà mình đang sở hữu. Có hai hình thức khai thác bản quyền bài hát phổ biến:
- Cấp quyền sử dụng bản quyền bài hát: Là hoạt động chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm.
- Chuyển nhượng bản quyền bài hát: là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.