Điều kiện để bảo hộ tên thương mại
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt với chủ thể kinh doanh khác. Tên thương mại đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên việc bảo hộ tên thương mại là rất cần thiết. Để bảo hộ tên thương mại, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ tên thương mại.
Tên thương mại muốn được bảo hộ phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 76 Luật SHTT 2005; sửa đổi, bổ sung 2009, cụ thể: “Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”
Trong quy định này, ta cần phải xác định rõ có khả năng phân biệt là như thế nào và phạm vi để xác định sự phân biệt đó là gì?
Về dấu hiệu phân biệt, tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
– Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
Tên trùng là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
Tên gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác là: Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký; tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”; ký hiệu “-”; chữ “và”; tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp khác đã đăng ký; tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp khác đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi một hoặc một số số tự nhiên, số thứ tự hoặc một số chữ cái tiếng việt (A, B, C…) ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó. Trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký.
– Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Tên thương mại và nhãn hiệu đều có chức năng chỉ dẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ đó của cơ sở sản xuất kinh doanh nào, đều đưa ra một kết quả chung rằng ai là người chịu trách nhiệm về những hàng hóa, dịch vụ đó, bởi vậy, nếu đã có nhãn hiệu thuộc quyền của người khác đã được xác lập trước thời điểm tên thương mại được bắt đầu thì đương nhiên chủ thể kinh doanh sẽ không được sử dụng tên thương mại đó nữa.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.
Phạm vi để xác định khả năng phân biệt.
Sự phân biệt này cần thiết được đặt ra trong cùng một lĩnh vực và khu vực kinh doanh với các yếu tố phân biệt chủ yếu như: Phân biệt về hàng hóa, dịch vụ, hoạt động, cơ sở kinh doanh. Thông qua những yếu tố này, để cá thể hoá chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác. Điều này cũng có thể được hiểu là nếu tên thương mại của hai chủ thể kinh doanh trùng nhau hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn nhưng hai chủ thể kinh doanh trong hai lĩnh vực khác nhau, thuộc hai lãnh thổ khác nhau, thì vẫn được chấp nhận bảo hộ.
Tóm lại, việc bảo hộ tên thương mại là một việc làm vô cùng quan trọng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bởi tên thương mại giúp thể phân biết được chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.