Quyền tự bảo vệ bản quyền tác giả và quyền liên quan
Đối với tác phẩm đã được đăng ký bản quyền, các tác giả là cá nhân, tổ chức có quyền tự bảo vệ bản quyền tác giả được quy định tại Khoản 1 – Điều 198 – Luật Sở hữu trí tuệ mà không cần sự can thiệp của các đơn vị trung gian khác.
Chủ thể được bảo vệ bản quyền tác giả có quyền tự bảo vệ tác phẩm của mình bằng nhiều cách thức.
Theo Điều 198: Quyền tự bảo vệ
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khởi kiện ra Tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Sử dụng biện pháp công nghệ tự bảo vệ bản quyền nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là việc các chủ thể đưa thông tin quản lý quyền gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng xuất hiện cùng với nhau khi tác phẩm đang được chia sẻ tới công chúng. Điều này có tác dụng xác định được ngay tác phẩm, tác giả của tác phẩm và các vấn đề liên quan khác.
Đồng thời các chủ thể có thể tự bảo vệ bản quyền bằng cách sử dụng các biện pháp công nghệ thông tin nằm trong khả năng của mình để bảo vệ các thông tin, ngăn chặn các hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác bất hợp pháp trái quy định của của pháp luật.
Đối với những hành vi xâm phạm bản quyền, nếu chủ thể phát hiện có thể tự bảo vệ bản quyền của mình yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi bất hợp pháp phải thu hồi, cải chính, xin lỗi… Nhưng gặp trường hợp phức tạp hơn, tác giả có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vào cuộc đòi lại công bằng hoặc khởi kiện ra Tòa.