Một số vấn đề về đăng ký bản quyền logo công ty
Mục lục
Logo là một trong những yếu tố giúp nhận diện một công ty và thu hút khách hàng. Thông thường, các công ty sẽ tự thiết kế, xây dựng cho mình một logo đẹp và độc để ghi dấu và tạo sự mới lạ trên thị trường. Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ chia sẻ đến cho các bạn một số vấn đề liên quan đến đăng ký bản quyền logo công ty. Mong rằng bài tư vấn của chúng tôi sẽ hỗ trợ được cho các bạn.
Nên đăng ký bản quyền logo công ty hay đăng ký nhãn hiệu logo?
Việc đăng ký bảo hộ logo dưới dạng bản quyền logo (quyền tác giả) hay nhãn hiệu phụ thuộc vào mục đích sử dụng, mục đích đăng ký của chủ thể đăng ký. Tuy nhiên, mỗi hình thức đăng ký đều có ưu và nhược điểm của nó, thiết nghĩ cần tiến hành đăng ký dưới dạng bản quyền logo và nhãn hiệu để bảo vệ tối ưu quyền lợi của Quý vị.
Việc đăng ký nhãn hiệu có những ưu và nhược điểm sau:
Ưu điểm:
- Tránh nhầm lẫn, giúp khách hàng phân biệt được đâu là hàng hóa, dịch vụ của đơn vị nào.
- Thẩm định về nội dung (Điều 114 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019): Kiểm tra mẫu nhãn hiệu, xem có bị trùng hay tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký không. Do đó, những mẫu logo trùng hoặc tương tự với logo bạn đăng ký sẽ bị bác đơn đăng ký. Chống lại được hành vi sử dụng logo tương tự gây nhầm lẫn cho dù không bị trùng 100%.
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là cơ sở để khẳng định doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp đó cung cấp là có uy tín, nâng cao vị thế cạnh tranh so với đối thủ khác trên thị trường.
Nhược điểm:
- Chỉ được bảo hộ trong phạm vi sản phẩm, dịch vụ đã đăng ký.
- Thời gian xử lý đơn đăng ký diễn ra lâu (Khoản 1, điểm b Khoản 2 Điều 119 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019)
- Cục sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung và tra cứu hệ thống một cách chặt chẽ và khắt khe trước khi ra quyết định cấp giấy chứng nhận hoặc từ chối cấp.
Việc đăng ký logo theo quyền tác giả có những ưu và nhược điểm sau:
Ưu điểm:
- Dễ dàng được cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận.
- Thời gian được cấp giấy chứng nhận nhanh “mười lăm ngày” (Điều 119 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019).
Nhược điểm:
- Việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện trên cơ sở cam kết của chính tác giả của logo đó, chưa có hệ thống đồng bộ để quản lý và tra cứu khả năng logo đăng ký có phải là phiên bản sao chép của logo khác hay không, đặc biệt là trong trường hợp tác giả của logo chưa công bố tác phẩm.
- Do quyền tác giả được xác lập chưa mang tính tuyệt đối (vì có thể bị huỷ nếu có bên thứ ba chứng minh logo đăng ký là sao chép).
Thời hạn bảo hộ đăng ký bản quyền logo công ty là bao lâu?
Khi logo dưới dạng mỹ thuật ứng dụng – một trong các loại hình được bảo hộ quyền tác giả (điểm g Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019) thì sẽ được bảo hộ ngay khi logo được sáng tạo ra và thể hiện dưới dạng vật chất nhất định mà không cần phải tiến hành đăng ký bảo hộ (Khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019).
Theo Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019 thì thời hạn bảo hộ bản quyền như sau:
Thứ nhất, quyền nhân thân: được bảo hộ vô thời hạn (trừ quyền công bố tác phẩm)
Thứ hai, quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản chia thành các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Logo đã được công bố thì được bảo hộ 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên
- Trường hợp 2: Chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.
Thời hạn bảo hộ đăng ký logo công ty dưới dạng nhãn hiệu là bao lâu?
Khi logo dưới dạng nhãn hiệu thì để xác lập quyền sở hữu của mình, cũng như được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ các quyền nhãn hiệu thì bạn cần phải tiến hành đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (điểm a Khoản 3 Điều 6, Khoản 3 Điều 92 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019). Khi đó, bạn sẽ có các quyền tài sản, gồm: sử dụng, cho phép người khác sử dụng, cấm người khác sử dụng và định đoạt (Khoản 1 Điều 123 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019). Theo Khoản 6 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019 thì thời hạn bảo hộ khi đăng ký nhãn hiệu có thể là mãi mãi nếu gia hạn, cụ thể là 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.