Bảo hộ tác phẩm nhiếp ảnh có khó không?
Mục lục
Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm nghệ thuật lưu giữ những khoảnh khắc trong cuộc sống. Mỗi tác phẩm nhiếp ảnh được tạo ra đều là tâm huyết, sức sáng tạo từ nhiếp ảnh gia mang giá trị tinh thần cũng như giá trị kinh tế to lớn. Để bảo hộ tác phẩm nhiếp ảnh của mình trước các hành vi xâm phạm trái phép, bạn cần nắm được những quy định pháp lý phù hợp hiện hành.
Những loại hình được bảo hộ quyền tác giả
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tuy nhiên không phải tác phẩm nào cũng được bảo hộ quyền tác giả. Luật Sở hữu trí tuệ có nêu rõ về những đối tượng được bảo hộ và không được áp dụng bảo hộ bản quyền. Vậy liệu pháp luật có bảo hộ tác phẩm nhiếp ảnh hay không?
Đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ, các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm:
- “Tin tức thời sự thuần túy đưa tin.
- Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
- Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.”
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bản quyền được liệt kê chi tiết tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ:
“a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.”
Căn cứ xác lập quyền tác giả cho tác phẩm nhiếp ảnh
Thủ tục đăng ký bảo hộ tác phẩm nhiếp ảnh không phải là thủ tục bắt buộc. Bởi lẽ quyền tác giả được xác lập trên cơ chế tự động. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Tuy không phải là thủ tục bắt buộc, nhưng việc đăng ký bảo hộ bản quyền cho tác phẩm nhiếp ảnh là rất cần thiết. Thông qua thủ tục này, bạn sẽ có giấy chứng nhận bảo hộ quyền tác giả, đây là tài liệu pháp lý quan trọng chứng minh nguồn gốc sáng tác của tác phẩm. Khi không may xảy ra tranh chấp bạn sẽ an tâm vì đã đăng ký và được pháp luật ghi nhận.
Hồ sơ đăng ký bảo hộ tác phẩm nhiếp ảnh
Bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều Luật Sở hữu trí tuệ:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả;
- Hai bản sao tác phẩm nhiếp ảnh đăng ký quyền tác giả;
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
Trình tự nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả
Sau khi chuẩn bị hồ sơ hợp lệ, bạn nộp hồ sơ đăng ký đến Cục Bản quyền. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục Bản quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, thì Cục Bản quyền phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.