Các hình thức công bố thực phẩm năm 2023
Mục lục
Công bố thực phẩm an toàn trước khi được đưa chúng ra thị trường tiêu thụ để đảm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nó lại đem lại rất nhiều lợi ích đến cho chính cơ sở sản xuất kinh doanh khi công bố. Bài viết hôm nay sẽ tư vấn cho bạn các hình thức công bố; hồ sơ và thủ tục công bố.
1. Những hình thức công bố thực phẩm
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, công bố thực phẩm theo 02 hình thức sau:
Thứ nhất, tự công bố thực phẩm với các sản phẩm sau:
- Thực phẩm đã được qua chế biến bao gói sẵn;
- Các loại phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
- Dụng cụ chứa đựng thực phẩm;
- Vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp thực phẩm.
Không tự công bố đối với các sản phẩm sau:
- Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất/nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ của tổ chức/cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước;
- Thuộc danh mục sản phẩm phải đăng ký công bố sản phẩm.
Thứ hai, đăng ký công bố thực phẩm với các sản phẩm sau:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng y học, dùng cho chế độ ăn đặc biệt;
- Sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi;
- Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, không thuộc danh sách phụ gia được sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng.
2. Thủ tục tự công bố thực phẩm như thế nào?
Quy trình công bố diễn ra theo các bước sau:
Bước 1: Hồ sơ
Thành phần giấy tờ cần chuẩn bị gồm:
- Bản tự công bố sản phẩm (Mẫu 01 Phụ lục I ban hành kèm NĐ 15/2018/NĐ-CP);
- Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong 12 tháng tính đến khi nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025.
Bước 2: Thực hiện công bố
Diễn ra như sau:
- Tự công bố trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của doanh nghiệp;
- Nộp 01 bản trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định;
- Ngay sau khi tự công bố thì được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó;
- Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận bản tự công bố của doanh nghiệp để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên doanh nghiệp và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận.
Như vậy, đối với các sản phẩm được tự công bố, các cơ quan nhà nước chỉ đóng vai trò là quản lý, không có thủ tục cho phép/ không cho phép, không còn các tiêu chuẩn hợp quy, tiêu chuẩn kỹ thuật,… các doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào bản công bố này để tăng cường hậu kiểm, nếu lấy mẫu kiểm nghiệm mà không đúng như mẫu công ty tự công bố thì sẽ xử lý rất nghiêm.
3. Thủ tục đăng ký công bố thực phẩm
Quy trình công bố diễn ra theo các bước sau:
Bước 1: Hồ sơ
Thành phần giấy tờ cần chuẩn bị gồm:
- Bản yêu cầu công bố thực phẩm (Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP);
- Giấy chứng nhận an toàn sức khỏe (Health Certificate) hoặc Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Freesale)- Áp dụng riêng cho thực phẩm nhập khẩu;
- Tài liệu chứng minh về công dụng của những sản phẩm yêu cầu công bố đã được Bộ y tế chấp thuận;
- Giấy chứng nhận GMP;
- Giấy đăng ký kinh doanh;
- Phiếu kết quả kiểm định;
- Bản phiên dịch những giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp trực tuyến, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Bước 3: Nhận kết quả
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Khi không đồng ý với hồ sơ công bố hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý.
Trong 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung thì phải thẩm định lại và có văn bản trả lời. Sau 90 ngày làm việc, kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.