Góp vốn trước khi thành lập doanh nghiệp TNHH hai thành viên trở lên
Mục lục
Góp vốn trước khi thành lập doanh nghiệp là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ để thành lập doanh nghiệp. Việc góp vốn chỉ được xem là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với những tài sản góp vốn đã chuyển sang doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ tư vấn chi tiết về quy định này cho các bạn.
1. Tài sản góp vốn trước khi thành lập doanh nghiệp
Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, quyền sử dụng đất, vàng, bí quyết kỹ thuật, công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ hoặc tài sản khác định giá được bằng Đồng Việt Nam. Chỉ tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp đối với tài trên mới có quyền sử dụng những tài sản đó để thực hiện góp thành lập công ty.
Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty đối với những tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất đai. Những tài sản không đăng ký quyền sở hữu thì không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho công ty nhưng phải lập biên bản xác nhận, trừ khi được thực hiện thông qua tài khoản.
2. Quy định về góp vốn trước khi thành lập doanh nghiệp
Thành viên doanh nghiệp phải góp vốn đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn và thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản. Thành viên có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết trong thời gian này. Thành viên chỉ được góp vốn bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
Sau thời hạn quy định mà vẫn chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
- Chưa góp vốn: Đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
- Chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết: Chỉ có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
- Phần vốn góp chưa góp sẽ được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Khi có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn góp. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong khoảng thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
Người góp vốn trở thành thành viên công ty kể từ thời điểm đã thanh toán xong phần vốn góp. Những thông tin về người góp vốn được ghi vào sổ đăng ký thành viên.
3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp TNHH hai thành viên trở lên
Quy trình đăng ký mở công ty TNHH hai thành viên trở lên diễn ra như sau:
Bước 1: Hồ sơ đăng ký
Thành phần hồ sơ đăng ký công ty gồm những giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên;
- Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức nếu thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; CMND/CCCD/Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức;
- Bản sao giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài.
Lưu ý: Bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký và nhận kết quả
Hồ sơ đăng ký công ty sẽ được nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Trong 03 ngày (làm việc) kể từ ngày nộp hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận thì phải thông báo bằng văn bản. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.