Chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bản quyền?
Quyền tác giả hay tác quyền hoặc bản quyền là độc quyền của một tác giả cho tác phẩm của tác giả Quyền tác giả được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa không bị vi phạm bản quyền.
Tại Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Quyền tác giả gồm hai nhóm quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản, chủ thể có quyền này là tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả.
Ở Việt Nam hiện nay, thực trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá phổ biến, hầu hết ở các lĩnh vực như nhiếp ảnh, báo chí, biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh, phần mềm máy tính,… Bên cạnh những cơ hội mà công nghệ số đem lại, nó cũng chính là thách thức lớn đối với tác giả và/hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan trong việc chống lại các hành vi xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi. Đặc biệt hơn nữa, những tranh chấp bản quyền cũng diễn biến khá phức tạp khi mà các Bên tranh chấp không tìm được tiếng nói chung trong cơ chế giải quyết.
Các hành vi xâm phạm quyền tác giả được liệt kê tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ: Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; Mạo danh tác giả; Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả; Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó; Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả…”
Một khi có những hành vi xâm phạm bản quyền như điều luật trên, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp theo Khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình:
– Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, ngoài tòa án thì trọng tài cũng là một chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bản quyền.