Tìm hiểu thủ tục nhận con nuôi trong nước
Mục lục
Trong thời buổi hiện nay, việc nhận con nuôi đã không còn xa lạ với chúng ta nữa. Vậy điều kiện để nhận con nuôi, hồ sơ đăng ký cần giấy tờ gì? Và thủ tục đăng ký diễn ra như thế nào? Hãy cùng Văn phòng đăng ký bản quyền cùng tìm câu trả lời thông qua bài viết dưới đây. Mong rằng bài chia sẻ của chúng tôi sẽ hỗ trợ được cho các bạn trong quá trình thực hiện.
1. Điều kiện nhận con nuôi trong nước là gì?
Khi có nhu cầu đăng ký nhận con nuôi thì trước tiên cần thỏa mãn những điều kiện sau đây:
Thứ nhất, người nhận con nuôi phải có đủ điều kiện sau:
- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, trừ trường hợp mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi, cha dượng nhận con riêng của vợ hoặc cô, chú bác, cậu, dì ruột nhận cháu làm con nuôi;
- Có điều kiện sức khỏe, kinh tế, nơi ở bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, trừ trường hợp mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi, cha dượng nhận con riêng của vợ hoặc cô, chú bác, cậu, dì ruột nhận cháu làm con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Thứ hai, trẻ em được nhận làm con nuôi phải có đủ các điều kiện sau:
- Dưới 16 tuổi. Nếu trẻ em được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi thì đến dưới 18 tuổi;
- Bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa;
- Một người chỉ được làm con của một người độc thân hoặc của một cặp vợ chồng.
2. Hồ sơ đăng ký nhận con nuôi trong nước gồm giấy tờ gì?
Khi đăng ký nhận con nuôi trong nước thì cần chuẩn bị những giấy tờ như sau:
- Đơn xin nhận con nuôi trong nước. Trường hợp người nhận con nuôi có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì sử dụng mẫu đơn đăng ký nhu cầu nhận trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi;
- Bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân. Đó có thể là Giấy chứng nhận kết hôn khi người nhận con nuôi là cặp vợ chồng hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi người nhận con nuôi là người độc thân;
- Giấy khám sức khỏe được cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng về nơi ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.
3. Thủ tục đăng ký nhận con nuôi trong nước như thế nào?
Quy trình đăng ký nhận con nuôi trong nước được diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan nhà nước
Cần chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ như trên cho UBND xã, phường, thị trấn, cụ thể như sau:
- UBND cấp xã nơi người được nhận làm con nuôi thường trú: Đối với trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân nhưng không có khả năng nuôi dưỡng;
- UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi: Khi mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi, cha dượng nhận con riêng của vợ hoặc cô, chú bác, cậu, dì ruột nhận cháu làm con nuôi;
- UBND cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi: Đối với trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi;
- UBND cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng: Đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi.
Lưu ý: Trường hợp người nhận nuôi con có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú. Nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến UBND cấp xã nơi đóng trụ sở cơ sở nuôi dưỡng để xem xét, giải quyết.
Bước 2: Xét duyệt hồ sơ đăng ký và nhận kết quả
Cán bộ tư pháp – hộ tịch kiểm tra bộ hồ sơ. Khi kiểm tra phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của những người liên quan. Trường hợp người được nhận làm con nuôi có cha mẹ đẻ thì phải kiểm tra cha mẹ đẻ có thỏa thuận với cha mẹ nuôi để giữ lại quyền, nghĩa vụ đối với con không? Và cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ đó như thế nào? Bên cạnh việc kiểm tra hồ sơ thì cần lấy ý kiến của những người có liên quan.
UBND cấp xã trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào Sổ đăng ký. Trường hợp từ chối, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản.