Lý do phải đăng ký bản quyền tác giả?
Mục lục
Quyền tác giả là quyền được bảo hộ tự động, tuy nhiên để tránh phát sinh tranh chấp về sau, nhà nước khuyến khích tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đi đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm của mình trước khi công bố đến công chúng. Vậy thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả được thực hiện như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ quy trình thực hiện.
1. Lý do cần đăng ký bản quyền tác giả
Đăng ký bản quyền không phải là thủ tục bắt buộc nhưng lại là điều vô cùng cần thiết mà bất kỳ tác giả, chủ sở hữu trí tuệ nào cũng cần thực hiện bởi những lý do sau:
- Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có hành vi xâm phạm và là cơ sở chứng minh thời điểm phát sinh quyền;
- Giúp đảm bảo cho người sáng tạo ra tác phẩm chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm như: ăn trộm, sao chép, lạm dụng tác phẩm đó;
- Khi có tranh chấp xảy ra, Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ quyền tác giả là bằng chứng tốt nhất chứng minh quyền sở hữu của tác giả đối với tác phẩm;
- Khi tác giả, chủ sở hữu phát hiện có người sử dụng trái phép tác phẩm của mình thì có thể yêu cầu người sử dụng đó ngừng sử dụng và có thể đòi bồi thường thiệt hại. Điều này chỉ có thể được thực hiện khi tác giả đã đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả,…
2. Quy trình đăng ký bản quyền tác giả mới nhất
Trình tự thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả được diễn ra như sau:
Bước 1: Hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả
Thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả gồm những giấy tờ như sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả (phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; thời gian hoàn thành; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tóm tắt nội dung tác phẩm; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ);
- 02 bản sao tác phẩm dự định đăng ký quyền tác giả;
- Giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh bản thân là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, các đồng chủ sở hữu nếu tác phẩm có đồng tác giả, quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện tại Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Bước 3: Nhận thông báo kết quả đăng ký bản quyền
Trong 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đầy đủ giấy tờ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối, Cục Bản quyền tác giả sẽ ra thông báo bằng văn bản để người nộp đơn sửa đổi, bổ sung.
3. Chi phí khi thực hiện đăng ký quyền tác giả
Căn cứ Điều 4 Thông tư số 211/2016/TT-BTC quy định mức chi phí áp dụng đối với từng loại hình tác phẩm như sau:
Chi phí đăng ký quyền tác giả là 100.000 đồng áp dụng đối với:
- Tác phẩm viết;
- Bài phát biểu, bài giảng và bài nói khác;
- Tác phẩm âm nhạc; báo chí; nhiếp ảnh.
Chi phí đăng ký quyền tác giả là 300.000 đồng áp dụng đối với:
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, bản đồ, sơ đồ, công trình khoa học, bản vẽ liên quan đến địa hình.
Chi phí cho việc đăng ký quyền tác giả là 400.000 đồng áp dụng đối với các loại hình tác phẩm sau:
- Tác phẩm tạo hình;
- Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Chi phí đăng ký là 500.000 đồng áp dụng với:
- Tác phẩm điện ảnh;
- Tác phẩm sân khấu định hình trên băng, đĩa.
Đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu, các chương trình chạy trên máy tính thì chi phí đăng ký là 600.000 đồng.